(HNM) - Lần thứ hai trở lại ngôi làng cổ kính ở xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) sau 7 năm viết bài “Độc đáo làng cổ Phú Hữu” đăng trên Báo Hànộimới (năm 2011), làng quê bé nhỏ này đã thay đổi rất nhiều.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Chu Trương Chinh được bảo tồn khá nguyên vẹn đến nay. |
Nét độc đáo ở làng cổ
Làng Phú Hữu nằm trên một quả đồi cao, có nhiều công trình kiến trúc cổ như đình làng (là di tích lịch sử cấp quốc gia), giếng cổ, nhà cổ... Những ngôi nhà cổ nhất, có kiến trúc đẹp nhất... đều nằm ở giữa làng. Ông Phùng Tiến Tặng, cán bộ văn hóa xã Phú Sơn giải thích: "Ngày xưa, những ngôi nhà ở giữa làng được ví như “miếng thịt thăn”. Đó là lý do gia đình giàu có thường mua đất, làm nhà ở giữa làng". Nhà ở của người dân làng Phú Hữu xưa kia được phân làm 2 loại: Những nhà giàu thường xây tường bằng đá ong, kiến trúc đặc trưng của Đồng bằng Bắc Bộ với nhà mái ngói mũi hài, cột, kèo, cửa được làm bằng gỗ, khuôn viên có sân, vườn, giếng nước... Những gia đình nông dân bình thường xây nhà bằng tường đất.
Năm 2015, làng Phú Hữu được tách thành 3 thôn: Đông Hữu, Thượng Tả và Nhông Nương Tụ, trong đó, nhà cổ tập trung ở Đông Hữu và Thượng Tả. Theo ông Phùng Tiến Tặng, ngày xưa các hộ dân không có tiền mua gạch làm nhà nên phải luyện đất làm tường. Nhà anh Chu Anh Tú là ngôi nhà như thế. Anh Tú cho hay, cha mẹ anh xây dựng từ năm 1969, nhà cấp 4, mái lợp ngói, 3 bề được đắp bằng đất trên nền cao. Để xây dựng nhà, người dân Phú Hữu lấy đất đồi trong vườn nhà, trộn với nước, đảo đều cho quánh lại, xắn thành từng miếng đắp lên tường chờ cho khô rồi đập mịn.
Trái ngược với nhà đất, những hộ dân giàu có lại xây nhà bằng đá ong, vì kèo bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo. Ngôi nhà của ông Chu Trương Chinh ở xóm Tả được coi là cổ nhất làng hiện nay. Ông Chinh cho biết: Nhà được làm từ năm 1831 do cụ Chu Bá Bằng xây dựng, đến ông Chinh là đời thứ 6. Nhà gồm 9 gian, xây bằng đá ong, 4 góc nhà là 4 trụ cột, đầu đắp cao theo kiểu đèn lồng; khung nhà làm bằng gỗ xoan theo lối câu đầu lộn túi, 2 mái chồng giường, cột 6 hàng chân, 12 cánh cửa bức bàn còn nguyên vẹn. Đồ thờ tự bên trong như hoành phi, câu đối, bài vị… đều có từ thời xây dựng ngôi nhà.
Bảo tồn cách nào?
Trải qua thời gian, nhà cổ ở làng Phú Hữu đã mai một đi nhiều. Đặc biệt, những ngôi nhà còn tồn tại đến nay đang đứng trước chọn lựa "giữ" hay "bỏ" bởi áp lực đô thị hóa. Có một số gia đình nhận thức được giá trị của nhà cổ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để trùng tu, nhưng số này không nhiều. Hơn nữa, do đất đai ngày càng thu hẹp, dân số tăng nhanh, nhiều gia đình phải phá nhà cũ, xây nhà ống để tiết kiệm diện tích và đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Bởi vậy, hiện nay làng Phú Hữu có khoảng 1.000 nóc nhà thì chỉ giữ được 10 ngôi nhà cổ xây bằng đá ong, mái ngói, trong đó có những ngôi nhà niên đại gần 200 năm như nhà ông Chu Trương Chinh. Còn những ngôi nhà, bếp, tường bao, cổng xây bằng đất thì tồn tại nhiều hơn… Ông Phùng Danh Minh, Trưởng thôn Hữu Đông cho biết, hiện thôn có 4 nhà cổ niên đại hơn 100 năm; đình làng niên đại hơn 300 năm; nhiều giếng cổ như: Giếng Đõ, giếng Tả, giếng Cây đa... tồn tại từ hơn 100 năm nay và vẫn cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân trong làng.
Trước tình hình trên, đã có rất nhiều đoàn khảo sát tới làng cổ Phú Hữu tham quan, tìm hiểu, nhưng đến nay, việc bảo tồn nhà cổ chủ yếu vẫn do người dân chủ động mà chưa được hỗ trợ từ các cấp, các ngành chức năng... Qua trò chuyện với ông Chu Trương Chinh và cán bộ văn hóa xã Phùng Tiến Tặng, chúng tôi cảm nhận rõ ý thức gìn giữ ngôi nhà cổ như báu vật của người dân nơi đây.
“Những ngôi nhà cổ còn lại hầu hết đều hơn 100 tuổi, trải qua nắng mưa, sự xuống cấp là khó tránh khỏi. Đơn cử, nhà cổ của ông Chu Trương Chinh, dù gia đình rất muốn giữ nguyên vẹn nhưng ngôi nhà đã gần 200 tuổi, mái ngói quá nặng, vì kèo bằng gỗ lâu ngày xuống cấp nên gia đình đã xây lại đầu đốc, “cắt” bỏ 2 gian để giảm tải nhằm bảo tồn 7 gian còn lại. Mặt khác, việc trùng tu, bảo vệ nhà cổ khá gian nan khi lựa chọn nguyên vật liệu thay thế sao cho phù hợp..." - ông Phùng Tiến Tặng phân tích.
Những khó khăn trong bảo tồn nhà cổ ở Phú Hữu đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia... để những nét văn hóa độc đáo này trở thành "tài nguyên" quý giá, làm giàu thêm truyền thống văn hóa ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.