(HNM) - Mở cửa được một tuần, Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội được tổ chức lần đầu tiên thưa dần những màn bán mua. Đổi lại, Trung tâm Thương mại Hàng Da, Hà Nội trở thành không gian đích thực cho khách thưởng thức nghệ thuật, cho những cuộc trao đổi giữa các nghệ sĩ, cho những sáng tạo mới hình thành.
Không gian nghệ thuật gần gũi
Ra đời từ khao khát của nghệ sĩ muốn tác phẩm của mình có được công chúng thật sự, nhóm nghệ sĩ mỹ thuật trẻ ở Hà Nội gồm Nguyễn Hồng Phương, Trần Dân Tư, Nguyễn Đức Cường lên ý tưởng và thực hiện hội chợ nghệ thuật để trực tiếp giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng. Thay vì đến garllery, xưởng vẽ và đối mặt với ánh mắt dò xét của người chủ, với những cái lắc đầu kiểu: "tác phẩm không để bán", thì tại đây, người xem - khách hàng "bình dân" được tự do chọn lựa thứ mình cần trong số hàng trăm tác phẩm, khảo giá, trả giá, ít nhất cũng ra về với cảm giác dễ chịu.
Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Hùng - người sẽ tham gia tác phẩm tại Hội chợ nghệ thuật Hà Nội - Ảnh: tư liệu |
Mô hình Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội hình thành trên cơ sở khảo sát các hội chợ tương tự trên thế giới. Trung tâm Thương mại Hàng Da nằm ở trung tâm thành phố nay đã được nâng cấp, vừa đủ sự sang trọng cho một dự án nghệ thuật. Không gian trưng bày của gần 60 nghệ sĩ tham gia hầu như ở tầng 2, chủ yếu là tranh, tượng và một vài tác phẩm sắp đặt. Mỗi nghệ sĩ có một gian hàng và bày theo sở thích. Những tên tuổi khá "cứng" trong làng mỹ thuật cũng có mặt tại đây như: Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Đức Hoàng, Phạm Tuấn Tú, Trần Hoàng My, Trịnh Liên, Bùi Đức, Trần Hoàng Hải Yến, Lê Đức Hiệp… Theo những khách hàng "sành" tranh thì giá cả khá "mềm", từ vài trăm nghìn đến vài nghìn USD, đều là tác phẩm nghệ thuật thật, không phải "hàng nhái".
Ngay từ khi khai mạc, hội chợ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu nghệ thuật. Những cuộc bán mua diễn ra nhanh chóng và cởi mở. Đắt hàng nhất là tranh sơn dầu phong cảnh vùng cao, tranh sơn mài về thắng cảnh Hà Nội, các bức tượng danh nhân…
Không chỉ có bán – mua
Cũng có ý kiến cho rằng tranh, tượng mà đem ra chợ thì mất cả sự sang trọng. Nhưng, có gần các nghệ sĩ mới hiểu họ sợ cái kiểu sáng tác chỉ để đem đi triển lãm phong trào rồi về cất kho đến nhường nào. Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc dự án chia sẻ: "Tranh, tượng cũng như tất cả các tác phẩm nghệ thuật, chỉ có giá trị khi có công chúng".
Qua một tuần đông đúc, Hội chợ Nghệ thuật Hà Nội giờ trở thành một không gian khác, tĩnh lặng và có chiều sâu, thích hợp với những người đến để thưởng thức nghệ thuật. Bên góc café mới mở - "Café Hàng Da", các nghệ sĩ tụ họp trao đổi kinh nghiệm, gặp gỡ khách hàng, không ít chuyện vì cảm thấy ấn tượng mà "để" tác phẩm cho khách với giá "không thể tuyệt hơn". Công chúng giao lưu với các nghệ sĩ một cách cởi mở, tìm hiểu cặn kẽ về từng dòng tranh, bức tranh, tác phẩm điêu khắc và được tư vấn về không gian trang trí phù hợp. Ở nhiều góc khác, các nghệ sĩ mang giá, cọ ra sáng tác, vẽ chân dung công chúng, người xem mà họ thấy thích.
Không những đến để tìm mua những tác phẩm nghệ thuật, công chúng còn được thưởng thức nhiều chương trình đặc sắc và bất ngờ như chính tính cách của nghệ sĩ. Ví dụ, ở ngày đầu, công chúng đến tham gia hội chợ được thưởng thức những điệu sáo Mông. Giữa tuần trước, CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ mang tới những làn điệu ví, giặm để phục vụ khán giả; cuối tuần là màn trình diễn tác phẩm "Màu hoa đào" của nghệ sĩ Phạm Hoài Anh và Nguyễn Hồng Phương. Cuối tuần sau sẽ có lễ hầu đồng và hát chầu văn.
"Thông qua dự án này, chúng tôi muốn tham gia xây dựng nền móng cho thị trường trong nước, tạo sự lành mạnh của thị trường văn hóa - nghệ thuật cũng như kích thích sự phát triển sáng tạo khỏe khoắn, vì một nền mỹ
thuật Việt Nam lớn mạnh trong tương lai", nghệ sĩ Nguyễn Hồng Phương cho biết.
Hội chợ diễn ra đến hết ngày 28-12.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.