Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn văn hóa trên đồ gốm thời Hùng Vương

VANCHIEN| 05/04/2009 04:26

(HNM) - Thời đại Hùng Vương bao gồm bốn văn hóa, hay đúng hơn là vết tích các giai đoạn: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Văn hóa Phùng Nguyên mở đầu cho các văn hóa tiền Đông Sơn trên lưu vực sông Hồng có niên đại cách ngày nay 3.500-4.000 năm.

Bình gốm Phùng Nguyên của Bảo tàng Phú Thọ.

(HNM) - Thời đại Hùng Vương bao gồm bốn văn hóa, hay đúng hơn là vết tích các giai đoạn: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Văn hóa Phùng Nguyên mở đầu cho các văn hóa tiền Đông Sơn trên lưu vực sông Hồng có niên đại cách ngày nay 3.500-4.000 năm.

Ba giai đoạn đầu được các nhà khảo cổ học xem là các thời kỳ tiền Đông Sơn, giai đoạn cuối thuộc văn hóa Đông Sơn. Hànộimới Chủ nhật có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, một nhà nghiên cứu khảo cổ kỳ cựu.

- Thưa TS, xin ông cho biết đóng góp của các nhà khảo cổ học Phú Thọ trong việc đưa ra những nhận định khoa học về giá trị lịch sử của vùng đất Tổ?

- Dựa vào sự phân bố của các di tích văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, các nhà khảo cổ học có thể chỉ ra sự thay đổi địa bàn cư trú của cư dân thời Hùng Vương trên vùng đất này. Cho đến nay, chúng tôi đã xác định được 26 địa điểm ở Phú Thọ thuộc văn hóa Phùng Nguyên - nơi cư trú của lớp cư dân đầu tiên thuộc thời Hùng Vương trên vùng đất Tổ. So với diện phân bố văn hóa Phùng Nguyên ở miền Bắc Việt Nam, Phú Thọ là tỉnh có số lượng di tích cao nhất, mật độ tập trung dày đặc nhất, nhiều di tích có quy mô lớn, có số lượng di vật phong phú nhất và có những di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển văn hóa Phùng Nguyên nhất. Tất cả điều đó khẳng định, Phú Thọ là cái nôi hình thành văn hóa đầu tiên của thời Hùng Vương.

Trên đất tỉnh Phú Thọ có 26/50 địa điểm văn hóa Phùng Nguyên hiện được biết đến ở miền Bắc. Số còn lại phân bố ở các tỉnh: Vĩnh Phúc (4 địa điểm), Hà Nội - bao gồm vùng Hà Tây (cũ) - (14 địa điểm) và Bắc Ninh (6 địa điểm). Nếu xem mỗi địa điểm cư trú là một làng thì ở giai đoạn đầu tiên của thời Hùng Vương, trên đất Phú Thọ có 26 làng, chiếm trên 50% tổng số làng thời đó.

- Ngay từ buổi bình minh lịch sử, văn hóa Phùng Nguyên đã có những bằng chứng về kỹ thuật chế tác gốm của cư dân Lạc Việt, thưa ông?

- Chúng ta đều biết rằng để có một sản phẩm gốm cần phải qua nhiều khâu từ lấy đất sét, làm khí hình, trang trí, cho đến nung chín. Mỗi khâu có một đặc tính kỹ thuật riêng. Tổng hòa các khâu đó là giá trị chung về kỹ thuật làm gốm trên các sản phẩm đã hoàn thiện. Thông qua các di vật khai quật được tại Phú Thọ, có thể thấy chủ nhân của văn hóa Phùng Nguyên là những người đã đạt đến trình độ cao của kỹ thuật làm đồ gốm, không chỉ ở khâu làm đất sét, khâu tạo dáng mà cả khâu tạo hoa văn. Đồ gốm Phùng Nguyên thuộc vào loại đồ gốm đất sét có chất liệu rất mịn, không pha cát, thành gốm mỏng, ngoài phủ một lớp áo gốm đen gần như miết bóng. Kỹ thuật tạo chất liệu này hầu như không thấy trong các văn hóa trước và sau nó. Tính đỉnh cao trước hết nằm ở khâu làm đất sét. Công bằng mà nói, đồ gốm Phùng Nguyên thuộc vào loại có dáng hình đẹp, thanh thoát nhất so với các giai đoạn văn hóa thời Hùng Vương. Cùng với dáng, kỹ thuật tạo hoa văn cũng hết sức đa dạng và phong phú. Những đồ án hoa văn trên gốm Phùng Nguyên vừa có bố cục chặt chẽ vừa phóng khoáng, lại được trang trí thành băng dải trên mặt ngoài các bình gốm, bát bồng… mà các khí hình này có độ cong khác nhau.

Có thể nói, cư dân Phùng Nguyên ở Phú Thọ đã đạt tới trình độ cao về kỹ thuật pha chế đất, tạo dáng và trang trí hoa văn.

Hoa văn trên gốm Phùng Nguyên.

- Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi kỹ thuật chế tác gốm thuộc văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn sau đó?

- Sự thay đổi về kỹ thuật làm gốm từ Phùng Nguyên đến Đồng Đậu có thể nhận thấy ngay từ giai đoạn Đồng Đậu sớm, với sự xuất hiện gốm thô, mặt ngoài có màu hơi xám nhạt, phổ biến văn thừng thô do kỹ thuật lăn đập sâu và chạy dọc thân gốm; nảy sinh kỹ thuật tạo hoa văn bằng que nhiều răng với các kiểu: từ các khuông nhạc đơn giản, đường tròn đồng tâm, đường lượn sóng đơn hay gấp khúc đến văn sóng chữ S móc nối nhau, hình số 8; cả văn in chấm hình hạt thóc, vòng tròn đồng tâm xuất hiện và kết hợp với nhau tạo mô típ mới. Cùng với hoa văn, kiểu dáng cũng thay đổi: Miệng gốm loe dần, rồi trang trí trên miệng, còn chân đế thấp dần.

Sự phát triển kỹ thuật làm gốm được thể hiện rõ nhất là kỹ thuật nung gốm. Đến giai đoạn Gò Mun, gốm được nung ở nhiệt độ rất cao, ước tính khoảng 800-900oC, gốm rất cứng, mặt ngoài thường có màu xám đen và đỏ nhạt. Nhờ kỹ thuật mà người Gò Mun đã làm được những nồi gốm kích thước lớn, thành mỏng, miệng rộng loe gãy gấp ở cổ chỗ giáp thân hoặc tạo ra bát bồng lòng nông, vành rộng, trụ giữa rỗng, đế khum, dáng cao. Kỹ thuật trang trí cũng có sự biến đổi, mà đặc trưng chủ yếu là khắc vạch, in, đập và đắp nổi. Các văn này thường kết hợp tạo nên mô típ riêng, mà nổi bật nhất là văn vạch đường thẳng, đường cong, chấm tròn và chữ S trên mặt bản miệng. Nhiều người cho rằng, gốm Gò Mun có sự phát triển vượt bậc cả về chất liệu, kỹ thuật tạo hình, độ nung và phong cách trang trí hoa văn. Có điều là sang giai đoạn Đông Sơn, kỹ thuật làm đồ gốm lại thiên về số lượng, nghèo nàn hơn về hoa văn trang trí, không cầu kỳ lắm về loại hình, mặc dù kỹ thuật nung vẫn đạt đỉnh cao. Có thể do giai đoạn này việc trang trí đồ đồng được chú trọng hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thu Thủy(thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn văn hóa trên đồ gốm thời Hùng Vương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.