Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn Hà Nội ở Nam Tây Nguyên

Tuấn Linh - Thân Thu Hiền| 02/08/2020 06:26

(HNM) - Có một dấu ấn Hà Nội rất riêng, một Hà Nội không có hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, không có năm cửa ô với những góc phố nhỏ. Hà Nội ấy đam mê và phóng khoáng, căng tràn nhựa sống của đất đỏ bazan Tây Nguyên nhưng vẫn giữ hồn cốt của mảnh đất Thăng Long linh thiêng nghìn năm. Hà Nội ấy có tên Lâm Hà, như một sự “kết duyên” đã được định trước giữa Thủ đô - trái tim của dải đất hình chữ S và tỉnh Lâm Đồng - mảnh đất ngọt lành phía Nam Tây Nguyên.

Trường Tiểu học Gia Lâm - cái tên mang đậm dấu ấn Hà Nội ở vùng đất Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Tuấn Linh.

Người Hà Nội ở cao nguyên…

Thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà), cái nôi của Vùng kinh tế mới Hà Nội năm xưa, giờ đã là một tiểu đô thị trù phú, năng động. Ở đó, những tên đường, xóm nhỏ như Thăng Long, Ba Đình, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm... đều được cư dân thế hệ đầu tiên và lớp trẻ trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Với họ, đó là giá trị tinh thần không thể đánh đổi kể từ những ngày đầu tiên đến đây vỡ đất, lập làng.

Ông Trần Ngọc Lành (tổ dân phố Đông Anh - thị trấn Nam Ban) là người trong đội quân tiền trạm đến với Vùng kinh tế mới Hà Nội - Lâm Đồng năm 1976 khi mới 20 tuổi và chọn vùng đất Nam Ban làm quê hương thứ hai. Với những người thế hệ như ông, hạnh phúc không đơn thuần chỉ là sự thành đạt, trưởng thành của con cháu mà còn là sự đổi thay của mảnh đất này. Mảnh đất vốn toàn cỏ tranh, nơi ông Lành cùng những người con Hà Nội khác đến đây vỡ từng nhát cuốc, đặt những viên gạch đầu tiên, gây dựng nên một Nam Ban như hiện tại. “Đó là kết quả từ quyết tâm của những chàng trai Hà Nội chúng tôi khi đó, lãng mạn và phiêu lưu, thích khám phá và chinh phục, xen lẫn trong đó là sự dấn thân để khẳng định mình”, ông Trần Ngọc Lành chia sẻ.

Cũng giống như ông Trần Ngọc Lành, anh Phạm Văn Cường - chủ cơ sở lụa tơ tằm Cường Hoàn (thị trấn Nam Ban) cũng chọn mảnh đất cao nguyên làm nơi lập nghiệp. Từ những ngày vất vả trồng dâu nuôi tằm cho đến khi trở thành ông chủ, với những hợp đồng xuất khẩu hàng hóa giá trị nhiều tỷ đồng, anh Cường vẫn luôn trăn trở làm sao có thể phát triển hơn nữa nghề truyền thống của tơ lụa Hà Đông tại Lâm Đồng, mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, với vùng nguyên liệu dồi dào sẵn có.

Không chỉ có anh Cường, ông Lành, ở Lâm Hà còn có hàng nghìn người con Hà Nội đến và chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai. Vùng kinh tế mới Hà Nội - Lâm Đồng ngày nào và Lâm Hà hiện tại là một vùng kinh tế năng động với dịch vụ thương mại phát triển, đồng thời là vùng nguyên liệu dâu tằm, trà cũng như chế biến cà phê thương hiệu có tiếng của cả Tây Nguyên.

Không chỉ phát triển kinh tế, Lâm Hà cũng chính là cái nôi để những người Hà Nội kế cận sau này trưởng thành. Rất nhiều người đã và đang đảm nhận những vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện Lâm Hà, như Bí thư Huyện ủy Hoàng Thanh Hải hay Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Văn Tình.

Như lời của Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban Thái Văn Mai (một người Hà Nội gốc) thì: “Lâm Hà chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của những người Hà Nội với bà con lập nghiệp ở cao nguyên. Tình cảm ấy luôn hướng và nghĩ về nhau bằng những điều tốt đẹp nhất và vẫn một lòng không đổi thay kể từ những ngày đầu”.

… và một Lâm Hà đổi mới

Từ đầu năm 2011 đến nay, qua gần hai nhiệm kỳ đại hội, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho huyện Lâm Hà với trị giá gần 500 tỷ đồng. Tấm lòng của Thủ đô hiện hữu bằng những con đường, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng... Nguồn hỗ trợ đó không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn là tình cảm, sự trân trọng và tri ân với một thế hệ người Hà Nội đã ghi đậm dấu ấn Thủ đô ở phía Nam Tây Nguyên xa xôi.

“Kể từ khi trường học được thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng theo mô hình chuẩn, học sinh nơi đây đã có cơ ngơi khang trang để học tập. Trường lớp mới, nên chúng tôi đã nhận thêm được nhiều học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường với điều kiện học tập tốt nhất”, cô giáo Hà Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thăng Long (thị trấn Nam Ban) chia sẻ.

Cũng gần 10 năm qua, các quận, huyện như: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Mỹ Đức... và nhiều phường, xã của Hà Nội đã dành kinh phí là những ngày lương của cán bộ, công chức, viên chức để giúp đỡ người dân Lâm Hà thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.

Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Hoàng Thanh Hải cho biết: Với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội và cùng với việc đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo Lâm Hà đã có chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trình độ dân trí được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển theo quy hoạch, đồng bộ. Nhiều tuyến đường nông thôn được mở rộng, cảnh quan môi trường cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, khang trang, sạch đẹp, văn minh; nét đẹp truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy.

“Hiện tại, huyện Lâm Hà đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mục tiêu cuối năm 2020 sẽ có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Đông Thanh, Tân Hà, Tân Văn và Hoài Đức) và xã Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Lâm Hà phấn đấu được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020”, Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Hoàng Thanh Hải cho biết thêm.

… Có một Hà Nội trên cao nguyên và Lâm Hà như người con xa quê lập nghiệp nay đã trưởng thành, vạm vỡ, đầy sức sống. Hình ảnh Thủ đô dấu yêu vẫn hằng ngày dõi theo, chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của “Hà Nội phía Nam Tây Nguyên” luôn là động lực tiếp sức, làm ấm lòng những người con xa xứ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Hà Nội ở Nam Tây Nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.