Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn đời sống trong tranh, tượng Tết

An Nhi| 28/01/2022 06:23

(HNM) - Thời điểm sắp bước sang năm mới, các nghệ sĩ tạo hình thường có thói quen sáng tác tượng Tết, tranh xuân. Dạo qua các triển lãm và những tác phẩm mới công bố còn tươi màu gần đây, người xem có thể thấy dấu ấn đời sống, cảm nhận tâm tư, ước vọng của các nghệ sĩ, đồng thời nhìn nhận diện mạo mỹ thuật Việt Nam hôm nay.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát hoàn thiện một tác phẩm điêu khắc về hổ nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022.

Hơi thở đời sống đương đại

Ở triển lãm “Tranh xuân Nhâm Dần 2022” do Hội Mỹ thuật Việt Nam mở trước thềm năm mới tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm), họa sĩ Lê Tiến Vượng chọn thể hiện không khí xôn xao, tấp nập ở một miền quê trong bức bột màu “Chợ Tết”; trong bức tranh lụa “Bình yên”, họa sĩ Hoàng Xuân Trường cho thấy sự hòa hợp quân dân nơi vùng cao; họa sĩ Trần Bình Minh lại đem đến sự rộn rã, vui vẻ của đám trẻ trong bức “Xuân về”…

Còn 5 họa sĩ tài năng qua triển lãm “Nhịp sống” vừa khép lại tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền cho thấy nhiều góc nhìn thú vị về cuộc sống. Đó là nét duyên dáng, yêu kiều của cô thiếu nữ đôi mươi trong tranh của họa sĩ Nguyễn Minh Thủy; vẻ đẹp lao động khỏe khoắn ở thời đại 4.0 trong tranh của họa sĩ Vũ Hoàng… Triển lãm “Vẫn Tết chứ 2022” tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) vừa qua, quy tụ 9 cá tính mỹ thuật với những bức tranh bừng sức xuân và niềm vui, khẳng định thái độ sống, tinh thần lạc quan sáng tạo của các nghệ sĩ trước đại dịch.

Ở triển lãm “Tiễn Sửu đón Dần” của nhóm G39 (thành phố Hà Nội) diễn ra trực tuyến tại Facebook Gallery 39A phố Lý Quốc Sư, các nghệ sĩ đã công bố nhiều tác phẩm mới, chứa đầy năng lượng sống và mong ước đẩy lùi dịch Covid-19. Họa sĩ Lâm Đức Mạnh thể hiện phong cảnh phố phường, những danh thắng Hà Nội tĩnh lặng, thưa vắng, song vẫn đẹp hút mắt. Họa sĩ Nguyễn Minh (Phố) ghi dấu với bức tranh “Những đám mây sẽ kể” lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế về làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) - ngôi làng có kiến trúc Đông - Tây độc đáo. “Những đám mây tự do sẽ mang di sản và văn hóa Việt Nam đi muôn nơi, giúp chúng mãi hiện hữu”, họa sĩ Nguyễn Minh (Phố) chia sẻ.

Đón năm mới, con giáp biểu trưng của năm luôn là hình tượng được nhiều nghệ sĩ tạo hình chọn thể hiện. Theo họa sĩ Tào Linh, hình tượng con hổ của năm Nhâm Dần được giới nghệ thuật đánh giá không chỉ đẹp về mặt tạo hình, mà còn mang nhiều yếu tố văn hóa, tâm linh của người Việt, thích hợp cho những bức tranh treo dịp Tết, vì vậy, ông đã khai thác chất liệu tranh Hàng Trống cho những sáng tác mới. Họa sĩ Lê Thiết Cương chọn thể hiện con hổ bằng bột màu trên giấy dó rất sinh động, gần gũi: “Hổ ngắm sen”, “Hổ đi chơi phố”... Thu hút chú ý là họa sĩ Nguyễn Tấn Phát với nỗ lực thực hiện bộ sưu tập 2.022 tượng, phù điêu về hổ đón năm Nhâm Dần. Các tác phẩm được làm từ gỗ mít kết hợp với đá ong rồi phủ lên lớp sơn mài, kể những câu chuyện về đời sống qua hình tượng hổ…

Triển lãm “Tranh xuân Nhâm Dần 2022” thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật và công chúng. Ảnh: Thụy Du

Tiếp nối dòng chảy mỹ thuật

Không thể hiện trực diện những vấn đề thời sự của đời sống, các nghệ sĩ thường chọn vẽ về chủ đề mùa xuân, thiên nhiên, hoa lá, hay con giáp biểu trưng của năm mới, ẩn vào đó những tâm tư, ước vọng về cuộc sống. Họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm cho rằng, hai năm qua, dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho mọi lĩnh vực, trong đó có mỹ thuật. Riêng năm 2021, tại hai thành phố lớn hoạt động mỹ thuật sôi nổi nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều triển lãm, sự kiện mỹ thuật phải hoãn. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đã khắc phục bằng cách dành nhiều thời gian sáng tác, đem đến số lượng và chất lượng tác phẩm dồi dào, có nhiều dấu ấn hơn.

Sáng tác hàng chục tác phẩm từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đến nay, họa sĩ Kiều Hải cho hay, giới mỹ thuật thường tranh thủ thời điểm dịch bệnh tạm thời được kiểm soát để đi thực tế, tích lũy đề tài, hình ảnh, câu chuyện đời sống sau đó trở về tập trung sáng tác. “Dịch bệnh khiến tâm trạng mọi người luôn âu lo, buồn phiền. Vì vậy, tôi chọn vẽ đề tài nhẹ nhàng, vui vẻ đăng tải trên các kênh để lan tỏa tinh thần lạc quan, niềm hy vọng tới người xem...”, họa sĩ Kiều Hải chia sẻ.

Tham quan một số triển lãm thời điểm giáp Tết, ông Nguyễn Đức Dũng (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) nhận xét: “Các tác phẩm có sức truyền cảm cao, khiến người xem được động viên, an ủi, thêm lạc quan, phấn chấn. Tôi thấy, nhiều tác phẩm phù hợp để treo trong nhà dịp Tết”.

Qua những không gian xuân mà giới nghệ thuật tạo hình nỗ lực sáng tạo và mang đến cho công chúng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận: Dịch bệnh có lẽ phải “chào thua” ý chí, nghị lực của nghệ sĩ Việt Nam. Sức sáng tạo vẫn cắm rễ sâu xuống đất lành, đan cành xanh, vươn nhánh khỏe, nảy chồi vui cho đời sống mỹ thuật. Song, để nối tiếp dòng chảy nghệ thuật trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh sự đồng hành của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong nhận diện xu thế phát triển mỹ thuật đương đại, bản thân các nghệ sĩ phải nhanh nhạy trước hiện thực cuộc sống, tìm tòi phương pháp sáng tạo mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn đời sống trong tranh, tượng Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.