Xây dựng

Dấu ấn đô thị đang hiện hữu từng ngày

Thu Hằng 11/02/2024 - 07:03

Dấu ấn đô thị đang hiện hữu từng ngày; kinh tế phát triển ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên...

Đó là những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện các đề án xây dựng huyện lên quận ở các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng.

Đón năm mới Giáp Thìn 2024, cán bộ, đảng viên và nhân dân các huyện luôn tin tưởng và hy vọng vào một năm mới mang tính bản lề trong hành trình triển khai xây dựng huyện thành quận, từng bước hiện thực hóa khát vọng về một đô thị thông minh.

dong-anh.jpg
Ảnh: Nguyễn Quang

“Quả ngọt” ở những miền quê

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ánh mắt toát lên niềm tin và phấn khởi, Trưởng thôn Khê Nữ (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) Cao Sơn Tuấn khẳng định, người dân địa phương được thụ hưởng rất nhiều lợi ích nhờ chủ trương đầu tư phát triển huyện thành quận. Quả thực, bao quanh và đan cài giữa các khu dân cư trong làng Khê Nữ là những trục đường bê tông, đường nhựa phẳng phiu, rộng rãi, sạch sẽ. Những khu vui chơi công cộng và đường làng đều rợp bóng cây xanh, tạo nên bức tranh làng quê đẹp mắt.

Công trình ấn tượng nhất phải kể đến ao làng Khê Nữ. Theo các cụ cao niên, trước đây ao thường xuyên bị ô nhiễm với nhiều rác thải, bèo... Từ khi được huyện Đông Anh đầu tư kè đá, làm hàng rào, đường dạo xung quanh (năm 2020), ao lại trở thành nơi vui chơi của mọi thành viên trong làng. Công viên rộng khoảng 4.000m2 cạnh ao làng Khê Nữ cũng được đầu tư xây dựng, là nơi người dân đến tập luyện thể dục hằng ngày.

“Người dân Khê Nữ thực sự vui mừng khi được thụ hưởng thành quả từ việc xây dựng xã thành phường” - chị Nguyễn Thị Hà, thôn Khê Nữ, chia sẻ.

Không chỉ Khê Nữ, người dân ở cả 11 khu dân cư của xã Nguyên Khê nói riêng và các xã, thị trấn của huyện Đông Anh nói chung đều được thụ hưởng nhiều “quả ngọt” kể từ khi thực hiện chủ trương xây dựng xã thành phường, huyện thành quận.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: “Kết quả nổi bật nhất phải kể đến hàng chục tuyến đường giao thông liên thôn, ngõ xóm được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Trong 3 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân xã Nguyên Khê đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Bộ mặt nông thôn khởi sắc từ đó. Đến nay, 100% số thôn đã có nhà văn hóa, công viên, sân bóng đá, bãi đỗ xe, điểm tập kết rác - điều mà trước đây người dân chưa bao giờ nghĩ tới”.

Tương tự Nguyên Khê, xã Vân Hà (huyện Đông Anh) cũng đang trên đà đô thị hóa với cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, khang trang. Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo cho hay: “Nếu như trước đây, người dân rất ngại ra đường khi trời tối thì nay đã khác. Cùng với việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, kết nối làng trên, xóm dưới, 100% tuyến đường chính của xã đã được đầu tư hệ thống điện cao áp; các tuyến đường trục thôn, xóm cũng được lắp đèn chiếu sáng, giúp người dân đi lại thuận lợi, bảo đảm an ninh trật tự. Vân Hà đã đạt 12/13 tiêu chí trở thành phường”.

Cũng đặt mình vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng, việc xây dựng xã thành phường, huyện thành quận được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân huyện Gia Lâm rất quan tâm. Sau khoảng 4 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, Gia Lâm như được khoác lên mình chiếc áo mới. Nhiều khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại đã và đang được đầu tư như Khu đô thị Vinhomes Ocean Park Hà Nội, Gia Lâm Central Metropolitan, The Pavilion Gia Lâm...; các tuyến đường khớp nối giữa Gia Lâm với các địa phương lân cận được mở ra, tạo tiền đề phát triển toàn diện.

Chủ tịch HĐND xã Yên Thường Nguyễn Ngọc Đoàn (huyện Gia Lâm) không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ với phóng viên: “Bắt tay xây dựng xã thành phường, Yên Thường còn gặp nhiều khó khăn. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư của thành phố và huyện, kinh tế của Yên Thường ngày càng phát triển, hệ thống trường học, đường giao thông nông thôn, nội đồng được đầu tư cải tạo, nâng cấp... Đến nay, dấu ấn đô thị đang hiện hữu ở Yên Thường”.

Rời Gia Lâm, chúng tôi đến các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì. Dẫu còn nhiều khó khăn, song các địa phương đều đang nỗ lực phấn đấu nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí trở thành quận. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng: Quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng huyện thành quận, xã thành phường đã và đang mang lại những đổi thay lớn của địa phương.

“Trăm nghe không bằng một thấy, phóng viên cứ đi dạo một vòng quanh huyện, “mục sở thị” những “lá phổi xanh”; những tuyến đường mới mở; những triền đê hoa rực màu khoe sắc... sẽ cảm nhận được sự đổi thay của Đan Phượng hôm nay. Từ khi thực hiện xây dựng huyện thành quận, người dân Đan Phượng được thụ hưởng rất nhiều “quả ngọt”, đời sống được nâng lên rõ rệt; từ năm 2021 đến nay, huyện không còn hộ nghèo” - ông Nguyễn Thạch Hùng cho biết thêm.

Nỗ lực đạt mục tiêu

Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có ít nhất 3 - 5 huyện phát triển thành quận. Để đạt được mục tiêu này, các huyện đang nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất thành phố có thêm cơ chế, chính sách để sớm hoàn thành các tiêu chí đã đề ra.

Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền thông tin: Để hiện thực hóa mục tiêu thành quận, huyện Gia Lâm đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nhiệm vụ. Đến nay, Gia Lâm đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Huyện cũng đã hoàn thành đề án thành lập quận và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc huyện Gia Lâm...

Với Đông Anh, ngay sau khi được HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường thuộc quận (ngày 4-7-2023), huyện đã bắt tay vào triển khai ngay các bước, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Anh Lê Đăng Tốn thông tin: Đến nay, Đông Anh đã đạt 30/31 chỉ tiêu, tiêu chuẩn, phấn đấu sớm hoàn thành nhiệm vụ phát triển thành quận.

Trong quá trình xây dựng huyện thành quận, huyện Hoài Đức và huyện Thanh Trì đều nỗ lực vượt khó, tiếp tục nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, trong năm 2024, Hoài Đức sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư để hoàn thành các tiêu chí thành lập quận.

Đón xuân Giáp Thìn 2024, cán bộ, đảng viên và nhân dân 5 huyện nói riêng và người dân Thủ đô nói chung đều tin tưởng, kỳ vọng khi các huyện trở thành quận sẽ tạo bước chuyển mạnh, hiện thực hóa khát vọng về một đô thị giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn đô thị đang hiện hữu từng ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.