Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hào khí thời đại Hồ Chí Minh

PGS.TS Phạm Xanh| 13/10/2013 06:18

(HNM) - Trong lịch sử trung đại Việt Nam đã từng xuất hiện những trang sử oanh liệt dưới thời nhà Trần được các nhà nghiên cứu lịch sử đặt một cái tên súc tích nhưng phát ánh hào quang muôn thuở Hào khí Đông A hay Hào khí nhà Trần.

Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền.



Hào khí Đông A được nhân dân Đại Việt dưới sự dẫn dắt của những người kiệt xuất như vua Trần Nhân Tông, các tướng lĩnh Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư… tạo nên. Tiếp nối truyền thống đó, đến thời kỳ lịch sử hiện đại lại một lần nữa xuất hiện những trang sử vàng mà ta có thể đặt tên theo người khai sinh ra nó: Hào khí thời đại Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên tạo nên hào khí đó là nhân dân Việt Nam anh hùng với sự dẫn dắt của những con người kiệt xuất đã vắt kiệt tâm lực và tài lực hiến dâng cho đất nước, trong đó đứng vị trí hàng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám năm 1941 ở Pắc Bó, chiến lược mới của cách mạng nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chứ không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền như Quốc tế Cộng sản đã vạch ra cho các nước thuộc địa và phụ thuộc. Trong chiến lược mới đó, ngoài việc đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết còn xác định vũ trang khởi nghĩa là vấn đề then chốt. Sau khi đồng chí Phùng Chí Kiên, UVTƯ Đảng phụ trách về quân sự hy sinh, công việc đó được Đảng và Bác tin cậy trao cho Võ Nguyên Giáp. Ông đã hoạt động tích cực để thành lập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22-12-1944. Do vậy, ông được tôn vinh là người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong Chính phủ mới, Võ Nguyên Giáp được phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông đã cùng với Bác và Đảng tìm kiếm mọi biện pháp xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Và khi chúng ta biết chắc không thể tránh cuộc đối đầu với thực dân Pháp đang ngày một đến gần, Võ Nguyên Giáp được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ đây, ông trở thành cánh tay phải của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc chiến đấu phá vây anh hùng ròng rã suốt 4 năm, từ năm 1947 đến năm 1950. Sau khi chỉ đạo quân đội ta đập tan cuộc hành quân đánh lên Việt Bắc, bảo vệ cơ quan đầu não cuộc kháng chiến, giữ vững vùng căn cứ địa, năm 1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên, ông được phong quân hàm cấp tướng cao nhất - Đại tướng. Ông trở thành trường hợp đầu tiên và độc nhất vô nhị nhận quân hàm cao nhất một lần trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau chiến thắng Việt Bắc, ông cùng Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phát động cuộc chiến tranh du kích bằng đại đội độc lập luồn sâu vào vùng địch hậu, xây dựng vùng tự do Việt Bắc, Thanh - Nghệ - Tĩnh và Liên khu V. Từ đó mà xây dựng các đại đoàn chủ lực làm cơ sở để chuyển đoạn cuộc kháng chiến. Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nảy nở và thăng hoa cùng với sự lớn mạnh của quân đội ta, đặc biệt được thể hiện rất rõ trong nghệ thuật điều binh khiển tướng trong chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954 và cuối cùng bằng chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng trên một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân, một cuộc chiến tranh biến "cái không thể thành cái có thể". Chiến thắng đó đã làm thay đổi cục diện chiến tranh Đông Dương, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơne công nhận nền độc lập, chủ quyền lãnh thổ của nước ta.

Pháp đi, Mỹ tới, máu của đồng bào miền Nam tiếp tục nhỏ xuống trên mảnh đất miền Nam "đi trước về sau". Đây là cuộc chiến đấu cam go nhất của nhân dân ta ở thế kỷ XX bởi lẽ thực chất cuộc chiến này là ta đương đầu với Hoa Kỳ, một nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới. Nhưng cuối cùng cuộc chiến đấu của nhân dân ta sẽ đi tới thắng lợi. Thắng lợi đó được xây dựng trên những nền tảng vững chắc: chúng ta có chính nghĩa, có nhân dân anh hùng đã được trải nghiệm qua cuộc kháng chiến chống Pháp, có một đảng chính trị thống nhất về tư tưởng, cố kết thành một khối vững mạnh và sự ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa, của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng với quân đội tạo ra kỳ tích: mở đường Trường Sơn và đường trên biển để tiếp viện sức người, sức của cho nhân dân miền Nam chiến đấu. Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam nối với hậu phương lớn miền Bắc và thế giới yêu chuộng hòa bình. Với kỳ tích đó, quân và dân miền Nam đã đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bằng những chiến thắng Ấp Bắc, Ba Gia, Bình Giã, bằng việc phá ấp chiến lược. Để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ đổ quân trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam và dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Sự ác liệt và tàn khốc của một cuộc chiến tranh hiện đại thử sức chịu đựng của toàn dân tộc. Trên bình diện quân sự, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp căng óc suy nghĩ chỉ đạo cùng một lúc trên hai chiến trường Nam, Bắc. Thực tiễn chiến trường Nam, Bắc đã khẳng định chúng ta không chỉ trụ được, mà còn thắng Mỹ. Đòn tiến công Tết Mậu Thân đẩy quân Mỹ vào thế bị động, lúng túng, dẫn tới bàn đàm phán Paris vào tháng 5-1968. Cục diện "vừa đánh vừa đàm" xuất hiện và kéo dài đến năm 1972. Chiến trường là yếu tố quyết định trên bàn đàm phán. Thắng lợi của cuộc tiến công Xuân - Hè 1972 trên chiến trường miền Nam, đặc biệt chiến dịch giải phóng Quảng Trị và hạ gục "con át chủ bài" B-52 trên bầu trời Hà Nội buộc Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris. Chúng ta đã thực hiện trọn vẹn ý tưởng của Bác "đánh cho Mỹ cút" và chuẩn bị sức người, sức của cho bước kế tiếp "đánh cho ngụy nhào".

Đầu năm 1975 tình hình thế giới và trong nước tạo thời cơ cho ta mở cuộc tiến công giải phóng miền Nam bằng điểm đột kích vào chiến trường Nam Tây Nguyên như Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vạch ra. Thắng lợi trên chiến trường Tây Nguyên và mặt trận Huế - Đà Nẵng đưa đội quân bách chiến bách thắng chúng ta xốc tới giải phóng Sài Gòn bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh với tư tưởng tiến công vũ bão: "Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa". 11 giờ 30 phút, lá cờ chiến thắng của ta ngạo nghễ tung bay trên dinh Độc Lập, đánh dấu sự cáo chung của chính quyền Sài Gòn.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh bại thực dân Pháp năm 1954 và cuối cùng đánh thắng quân đội Mỹ, thu giang sơn về trong một mối là những kỳ tích của nhân dân Việt Nam ở thế kỷ XX. Những kỳ tích đó tạo nên Hào khí thời đại Hồ Chí Minh, trong đó có sự góp tâm lực và tài lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nay, ông về với Chủ tịch Hồ Chí Minh, về với thế giới vĩnh hằng nhưng ánh hào quang đó mãi mãi tỏa sáng, đưa đường chỉ lối cho chúng ta và hậu thế đi tiếp, theo hướng dân giàu, nước mạnh.

Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Sayasone:Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn kề vai, sát cánh cùng chúng tôi

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã trải qua nhiều giai đoạn xương máu, quân đội, nhân dân hai nước đã hòa quyện vào nhau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đã luôn kề vai, sát cánh cùng với chúng tôi trong suốt quá trình cách mạng. Mặc dù Đại tướng đã ra đi nhưng chúng tôi xin hứa sẽ cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin:Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn lao

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một mất mát lớn đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua đã được thúc đẩy trên nhiều phương diện. Mối quan hệ đó được xây dựng từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc vương Sihanouk và được các thế hệ nối tiếp, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn mối quan hệ sẵn có với Việt Nam, đặc biệt là quan hệ giữa Đảng Nhân dân Campuchia với Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đà Đông ghi



* Trong ngày đầu tiên của phiên họp thường kỳ tiến hành vào ngày 10-10, Quốc hội Venezuela đã thảo luận và thông qua Nghị quyết tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghị quyết xác nhận Venezuela sẽ tiến hành hệ thống hóa, xuất bản, phát hành và nghiên cứu các tác phẩm và sự nghiệp của Đại tướng về cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc. Cũng tại phiên họp này, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội thống nhất cầm quyền Venezuela (PSUV) đã phát biểu ca ngợi công lao và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

*Trong ngày 11, 12-10, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức đón tiếp đại diện chính quyền, Quốc hội Mỹ, đoàn ngoại giao các nước ở thủ đô Washington, các tổ chức, cá nhân, cán bộ, nhân viên, thân nhân các gia đình của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Mỹ cùng đông đảo sinh viên, bà con Việt kiều đang sinh sống, học tập tại Mỹ đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ghi sổ tang tại trụ sở Đại sứ quán. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel thay mặt Chính phủ Mỹ đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bày tỏ chia buồn và khẳng định Đại tướng là "một cá nhân và nhà lãnh đạo quan trọng" của nhân dân Việt Nam và là người ủng hộ hòa giải và cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

*Ngày 12-10, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự có mặt của đông đảo các đại diện cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và công tác tại Trung Quốc. Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng sẽ đón các đoàn khách lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành của nước sở tại và những người bạn Trung Quốc yêu mến, khâm phục Đại tướng; đại diện các đoàn ngoại giao cũng như bà con Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

*Cùng ngày, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Luangprabang (Lào), đã mở sổ tang và tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến đặt vòng hoa và dâng hương viếng Đại tướng có các đoàn đại biểu đại diện cho tỉnh ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, các cơ quan, đoàn thể của 8 tỉnh Bắc Lào cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam đang công tác, học tập, làm ăn, sinh sống tại địa bàn.

Cũng như nhiều vị lãnh đạo khác của Lào, Đại tướng Khamtay Siphadone, nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nước CHDCND Lào rất xúc động khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Đại tướng Siphadone khẳng định, ngay khi nhận tin buồn, ông đã gọi điện ngay cho nhiều đồng chí lãnh đạo Lào cùng chia sẻ niềm thương tiếc vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Sáng 12-10, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhân viên, thân nhân gia đình Đại sứ quán và các cơ quan Đại diện Việt Nam tại Campuchia, cùng đông đảo cán bộ, học sinh, sinh viên, bà con Việt kiều đang sinh sống, công tác, học tập tại Campuchia đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ghi sổ tang tại trụ sở Đại sứ quán.

* Ngày 12-10, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau (Trung Quốc) đã mở sổ tang viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

*Cũng trong ngày 12-10, đại diện của cơ quan, tổ chức sở tại, các Tổng lãnh sự quán ASEAN, cùng cơ quan đại diện ngoại giao nhiều nước khác và doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn đã đến viếng, ghi sổ tang chia buồn với sự mất mát lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

*Từ ngày 12 đến 14-10, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore mở sổ tang và tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tới viếng và ký sổ tang trong sáng 12-10 có Đoàn đại biểu Chính phủ Singapore do Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen dẫn đầu; đại diện một số cơ quan và tổ chức của Singapore; đại diện Đại sứ quán Lào và Campuchia tại Singapore...

* Chỉ trong hai ngày 10 và 11-10, đã có hơn 30 đoàn ngoại giao từ Bộ Ngoại giao Malaysia, Đại sứ quán Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Cuba, Nga, Italia, Nam Phi... đến Đại sứ quán nước ta tại Malaysia ghi sổ tang bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Đúng 9h sáng 12-10, lễ viếng và mở sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổ chức trang trọng tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Dù là ngày nghỉ, nhưng đại diện nhiều cơ quan Ấn Độ và ngoại giao đoàn đã đến viếng và ghi sổ tang.

* Sáng 12-10, tại Đại sứ quán Việt Nam ở LB Nga đã diễn ra lễ viếng và truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến dự buổi lễ có Đoàn đại diện Chính phủ Nga, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, ông Morgylov Igor Vladimirovich dẫn đầu; Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga - Việt, do Chủ tịch hội, ông Viktor Buyanov dẫn đầu. Từ sáng sớm, hơn 40 đoàn đã tới Đại sứ quán Việt Nam để viếng Đại tướng. Nhiều người Việt sống xa quê nhà lâu năm và người Nga xúc động đã không cầm được nước mắt khi ghi vào sổ tang.

* Cũng trong ngày 12-10, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã tiến hành lễ mở sổ tang và lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hào khí thời đại Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.