Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt tên đường phố, công trình công cộng: Lan tỏa giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa

Hà Hiền| 26/07/2016 06:51

(HNM) - “Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm. Nơi tháp Rùa nghiêng soi bóng… Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du. Những đêm hoa sữa thơm nồng…

Những “trang sử” sống động

Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, việc đặt tên đường phố trên địa bàn TP Hà Nội kể từ năm 1945 đến nay dẫu qua nhiều giai đoạn chuyển đổi và sáp nhập thì tính nhất quán và khoa học vẫn được tuân thủ. Đó là việc coi trọng các làng nghề, phố nghề, tên các danh nhân văn hóa trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc hoặc những tên đường, phố gắn liền với các sự kiện, tính chất lịch sử.

Những đoạn đường quanh hồ Hoàn Kiếm được đặt theo tên các danh nhân lịch sử. Ảnh: Anh Tuấn



Theo thống kê chưa đầy đủ, đường, phố mang tên danh nhân ở Hà Nội chiếm khoảng 50%. Bằng cách này, phố phường Hà Nội là những trang sử sống động gắn liền với quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước. Xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm là tên các vị danh nhân gắn liền quá trình hình thành, phát triển của Thăng Long - Hà Nội như: Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Đinh Lễ, Đinh Liệt… Cũng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, những tuyến phố mang tên các vị danh nhân nhà Trần: Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Yết Kiêu, Dã Tượng… được sắp xếp gần nhau. Khu vực hồ Tây thơ mộng là những tuyến đường, phố mang tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân, Xuân Diệu hay Trịnh Công Sơn… “Với những người yêu lịch sử, văn hóa, họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa thông qua các tuyến đường, phố khi đi tham quan Thủ đô” - TS Phạm Quốc Quân khẳng định.

Trong những đợt đặt tên đường, phố, công trình công cộng gần đây, Hà Nội vẫn duy trì cách thức đặt tên theo quy luật cũ. Những con đường hiện đại, sạch đẹp mới hình thành mang tên Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp… hay những con đường sẽ mang tên Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn… được dư luận đánh giá cao. Qua đó cho thấy, Hà Nội đặt nhiều tên đường phố mang tên địa danh, danh nhân là một trong những hình thức tôn vinh truyền thống lịch sử, văn hóa, chứ không phải “lạm dụng” quỹ tên danh nhân hay thiếu sự sáng tạo như một số ý kiến từng phản ánh.

Thích ứng trong thời kỳ mới

Mặc dù đã có sự phù hợp nhất định, song trước tình trạng đô thị hóa phát triển nhanh, công tác đổi, đặt tên đường phố trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những điểm chưa hợp lý, cần được khắc phục.

TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội đề xuất, đường trong các khu đô thị có thể đặt theo số ngõ của các đường đã có hoặc đặt theo chữ số cho dễ tìm kiếm. Chẳng hạn, trong Khu đô thị Mễ Trì Hạ đã có phố Mễ Trì Hạ, có thể đặt thêm các ngõ theo số Mễ Trì Hạ (Mễ Trì Hạ 1, Mễ Trì Hạ 2…). Với những xã đô thị hóa thành phường thì đặt tên trục đường chính nên theo tên làng; đi theo các phố này là các ngõ, ngách. Ủng hộ đề xuất này, kỹ sư Nguyễn Viết Quân (nguyên cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội) kiến nghị HĐND, UBND TP Hà Nội bổ sung, mở rộng quy định về đặt tên đường, phố. Các tuyến giao thông xuyên suốt một địa bàn nhất định hoặc là trục của đường nhiều nhánh cần được gọi là đường, dù đường này có thể chưa bảo đảm độ rộng theo quy định. Các đường nội bộ khu đô thị nên được gọi là phố, lấy tên của khu đô thị kèm theo số hiệu thứ tự.

PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa cho rằng, ngoài cách đặt tên như hiện nay, Hà Nội có thể khai thác vốn tên dân gian vô cùng phong phú, phản ánh những khát vọng tốt đẹp của người Việt (hòa bình, thanh bình, thịnh vượng, yên hưng…); các nhân vật mang tính huyền thoại, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc (Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh, Bạch Mã, Linh Lang…) hay các làng nghề nổi tiếng.

Đặt trong bối cảnh hiện tại, những kiến nghị nói trên không phải là không có cơ sở. Bởi, việc đặt tên đường, phố không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu quản lý đô thị, để gọi tên và nhận biết đường phố, mà còn có tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, tích hợp giá trị lịch sử, văn hóa của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặt tên đường phố, công trình công cộng: Lan tỏa giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.