(HNM) - Quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới, đã và đang bộc lộ nhiều nguy cơ khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ này không thể bảo đảm quản lý tốt vị trí hiển thị, để quảng cáo cài đặt vào các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chức năng đang tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu, vi phạm pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương:
Tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý quảng cáo trên mạng
Từ năm 2022 đến nay, Sở đã ban hành 8 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 85 triệu đồng với hành vi vi phạm quảng cáo trên mạng; rà soát, lập danh sách 98 trang web vi phạm pháp luật, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp ngăn chặn. Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và công bố Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (gọi tắt là “White List”) và khuyến nghị xem xét lựa chọn quảng cáo trong “White List” nhằm bảo đảm an toàn thương hiệu. Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý quảng cáo trên mạng để hạn chế vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng:
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo sai quy định
Với đặc thù là huyện thuần nông, việc bảo hộ sản xuất hàng hóa hết sức cần thiết, do vậy, huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quảng cáo, nâng cao nhận thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo. Để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, thông tin quảng cáo chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, huyện phối hợp cùng cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo sai quy định.
Bà Đặng Linh Chi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sắc Việt, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm:
Doanh nghiệp quảng cáo và các nhãn hàng cần bám sát danh sách các kênh, trang mạng “sạch”
Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ với sự trợ giúp của các thuật toán khiến việc tìm kiếm các kết quả dựa trên từ khóa trở nên rất dễ dàng. Ưu điểm là giúp thu hút được nhiều nhất số lượng khách hàng tiếp cận với sản phẩm thông qua quảng cáo. Tuy nhiên, nếu chỉ vì thế mà bỏ qua khâu kiểm soát nội dung các kênh, chương trình quảng cáo gắn vào thì “lợi bất cập hại”. Do đó, cả đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo và các chủ nhãn hàng cần bám sát danh sách nội dung các kênh, trang mạng “đã được xác thực” mà Cục Phát thanh và Truyền hình công bố để góp phần bảo đảm việc quảng cáo trong môi trường mạng trong sạch.
Luật sư Đặng Minh Chiến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Chiến, chung cư B6C, đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy:
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo chưa đủ sức răn đe
Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP của Chính phủ đều có mức xử phạt khá “nhẹ nhàng”, chưa đủ sức răn đe. Việc ngày 22-3 vừa qua, Cục Phát thanh và Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam với mức 15 triệu đồng về hành vi đặt quảng cáo 3 sản phẩm của các nhãn hàng trên các kênh mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật là biện pháp mạnh để chấn chỉnh các vi phạm tương tự. Trong tương lai, cần tiếp tục có chế tài xử phạt nặng với các hành vi vi phạm nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Trâm, chung cư N02-T3, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm:
Chủ động sàng lọc, ngăn chặn các kênh, trang mạng chứa nội dung độc hại
Việc các đơn vị kinh doanh dịch vụ đem nội dung quảng cáo gắn vào các chương trình, các kênh có nội dung xấu, độc hại chính là cách gián tiếp làm lan truyền các kênh tin tức, các trang mạng có nội dung phạm pháp trên nền tảng số. Do đó, việc Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải tăng cường rà soát, phát hiện và xây dựng danh sách các kênh xấu độc trên mạng của đơn vị mình để loại trừ khỏi danh mục đăng quảng cáo là rất cần thiết. Mặt khác, các nhãn hàng, các đơn vị có sản phẩm cần quảng cáo cũng cần chủ động trong việc theo dõi, nắm bắt sản phẩm của đơn vị mình được đặt quảng cáo tại đâu để kịp thời gỡ bỏ, đề nghị cơ quan quản lý vào cuộc, xử phạt nghiêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.