(HNM) - Ngày 1-5, Hoàng Thái tử Naruhito đã lên ngôi Hoàng đế ở Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa) tại một buổi lễ được tổ chức trang trọng ở Tokyo.
Trong buổi lễ, Nhà vua Nhật Bản Naruhito được dâng lên ba loại thần khí (Sanshu no Jingi) gồm thanh kiếm Kusanagi, gương Yata và viên đá quý Yasakani, biểu trưng cho ba đức hạnh: Dũng cảm, sáng suốt và nhân từ. Nhà vua Nhật Bản Naruhito cũng đã có bài phát biểu đầu tiên trước các thành viên trong Hoàng gia và quan chức chính phủ. Nhà vua Nhật Bản cam kết sẽ làm việc hết mình với vai trò là biểu tượng quốc gia và sự thống nhất của người dân.
Nhà vua Nhật Bản Naruhito chính thức trở thành vị vua thứ 126 của đất nước Mặt trời mọc. |
Sinh ngày 23-2-1960, Nhà vua Nhật Bản Naruhito là con trai cả của Thượng hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko. Ông cũng là Nhà vua Nhật Bản đầu tiên sinh ra sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1991, ông được tấn phong làm Hoàng Thái tử, trước khi lên ngôi và trở thành nhà vua thứ 126 của Nhật Bản.
Việc Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi mang lại tâm lý phấn khởi, tích cực cho người dân xứ sở Hoa anh đào. Người dân trên khắp đất nước coi đây là sự kiện trọng đại, gắn với những kỷ niệm của gia đình, bạn bè, đặc biệt là với những em bé mới được sinh ra. Người dân hy vọng, nhà vua mới cùng với sức trẻ sẽ mang lại luồng sinh khí mới, tạo cú hích cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Theo các nhà phân tích, với triều đại mới, người dân hy vọng tỷ lệ kết hôn và sinh con của người dân Nhật Bản sẽ tăng lên, phần nào giải quyết bài toán già hóa dân số trong những năm qua. Mặt khác, tiêu dùng cá nhân sẽ tăng lên nhờ vào việc các doanh nghiệp đưa ra hàng loạt dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới. Du lịch của Nhật Bản cũng theo đó phát triển nhanh, mạnh bởi lễ hội và các di tích lịch sử liên quan tới Hoàng gia sẽ thu hút số lượng lớn du khách trong, ngoài nước tham gia.
Tuy nhiên, sự khởi đầu của triều đại Lệnh Hòa không chỉ có thuận lợi mà có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Cụ thể là, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, kinh tế Nhật Bản đã trải qua 4 giai đoạn phát triển, gồm: Nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay). Trong nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi trạng thái trì trệ, khi lên nắm quyền vào tháng 12-2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triển khai ngay các chính sách kinh tế mới. Tuy đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế xứ sở Hoa anh đào vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như già hóa dân số và nợ công đứng ở mức cao. Bên cạnh đó, một chỉ số quan trọng về các xu hướng kinh tế mà chính phủ công bố hồi tháng 3-2019 cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang bước vào giai đoạn suy giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2018. Trong báo cáo kinh tế tháng 4-2019, Chính phủ Nhật Bản đã hạ thấp mức dự báo về nền kinh tế lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Do đó, gánh nặng "đưa đất nước thoát khỏi trì trệ" là sứ mệnh đầy áp lực đối với Hoàng gia và Chính phủ Nhật Bản.
Ngay trong ngày Nhật hoàng Naruhito lên ngôi, Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện quan điểm: "Chúng tôi quyết tâm tạo ra tương lai tươi sáng tràn đầy hy vọng và hòa bình cho một Nhật Bản đáng tự hào vào thời điểm tình hình quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ".
Có thể khẳng định, triều đại Lệnh Hòa thực sự là bước ngoặt được mong chờ, hứa hẹn mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước Mặt trời mọc với nhiều kỳ vọng về hòa bình, phát triển và thịnh vượng. Lễ đăng quang chính thức của Nhà vua Nhật Bản Naruhito dự kiến được tổ chức vào ngày 22-10-2019, với sự tham dự của khoảng 900 quan khách, trong đó có các nguyên thủ và khách mời đến từ 195 quốc gia.
ĐIỆN MỪNG
Bộ Ngoại giao |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.