(HNM) - Nhiều người vẫn còn nhớ mãi phong cách đặc biệt gần gũi nhân dân của đồng chí Võ Chí Công. Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu về ảnh hưởng lớn lao của phong cách lãnh đạo ấy đối với con đường đổi mới trong nông nghiệp nước nhà những năm 80 của thế kỷ trước.
Bài học lấy dân làm gốc, tin dân, đắm chìm trong đời sống thực tiễn nhân dân của người làm chính sách mà "ông Năm cơ chế" để lại cho hôm nay vẫn vô cùng giá trị. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc những chia sẻ của nhà báo Thái Duy, 86 tuổi, người từng nghe, thấy và thấm sâu tấm gương nhà lãnh đạo tài trí của chúng ta.
Công lao rất lớn về kinh tế
Tôi nguyên là phóng viên Báo Đại Đoàn kết theo dõi mảng nông nghiệp đúng vào thời kỳ đồng chí Võ Chí Công được Đảng phân công phụ trách lĩnh vực này, nên tôi có may mắn được dự đưa tin một số cuộc làm việc của đồng chí. Nhưng tôi đặc biệt được nghe nông dân, nhất là những nông dân ở Hải Phòng và một số tỉnh phía bắc, nơi đồng chí từng gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với dân, nói rất nhiều về vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (từ năm 1978). Họ nói về đồng chí Võ Chí Công với sự mến phục kỳ lạ. Vì ngay từ những năm đầu được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, chính đồng chí đã nhận ra sự cần thiết của khoán ruộng đất mà trước đó nông dân là người khai mở và ông Kim Ngọc ủng hộ. Sau này, tôi thấy say mê con người của đồng chí Võ Chí Công và đã tìm hiểu rất nhiều.
Đó là người lãnh đạo có phong thái đĩnh đạc và vô cùng kiên quyết, thẳng thắn; một người dám nói, dám làm theo những gì mình tin là đúng và dám chịu trách nhiệm. Chúng ta đều biết để khoán "chui" được thừa nhận phải mất hàng chục năm, chính xác là 22 năm từ năm 1966 khi nông dân Vĩnh Phúc "khởi sự" đến năm 1988 mới có Nghị quyết "khoán 10" ra đời. Quá trình thay đổi tư duy đó cực kỳ gian nan, thậm chí khốc liệt. Nhưng ngay từ những ngày nông dân khoán "chui" và hầu hết đều nghĩ rằng khoán "chui" là xấu, báo chí và dư luận đều cho rằng "khoán việc" hợp tác xã là quá hay, không thể thay thế, đồng chí Võ Chí Công với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã lên tiếng ủng hộ. Điều đó là cực kỳ quý giá, hiếm có và khiến tôi cảm động vô cùng. Đồng chí đã kiên trì bảo vệ quan điểm, tranh thủ sự ủng hộ của đồng chí, đồng nghiệp để dần dần thuyết phục Trung ương.
Phải mất gần 4 năm đồng chí Võ Chí Công và một số đồng chí khác kiên trì vận động, thuyết phục, từ năm 1978 đến năm 1981, Chỉ thị 100 (còn gọi "khoán 100") mới ra đời, đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường đổi mới mang tính đột phá trong nông nghiệp nước nhà. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, đất nước ta đã rất may mắn vì Đảng đã giao nhiệm vụ phụ trách nông nghiệp cho đồng chí Võ Chí Công. Công lao của đồng chí về kinh tế có thể nói là rất lớn.
Tin dân tuyệt đối
Điều tôi ấn tượng mạnh về đồng chí Võ Chí Công là cách ông tiếp cận thực tế, tiếp xúc với dân. Có lẽ đồng chí là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính bởi vì luôn lấy dân làm gốc, đắm chìm trong đời sống nhân dân, luôn tin tưởng ở nhân dân. Đồng chí là người rất thích đi cơ sở, thích xuống với nhân dân. Đồng chí đi rất nhiều và thường là đi thẳng xuống cơ sở để nói chuyện trực tiếp với nông dân chứ không qua tỉnh, qua huyện rồi mới xuống. Có khi xuống cơ sở xong xuôi hết cả rồi mà chính quyền địa phương không biết.
Có một điều tôi thấy rất trùng hợp là đồng chí Võ Chí Công đi thực tế có tác phong rất giống Bác Hồ. Bác Hồ thường mang cơm nắm, bánh mỳ khi đi thực tế, không báo cho địa phương biết trước. Người muốn tiếp cận với thực tiễn nguyên sơ, chưa bị "bóp méo". Người dạy rất hay rằng, lãnh đạo đi thực tế phải biết "nghe từ miệng sang tai, mặt đối mặt". Gặp dân mà có cán bộ địa phương, liệu dân có dám nói hết, nói đúng hoàn toàn sự thật không? Chắc chắn là không. Bác Hồ còn có một điều đặc biệt nữa khi quan niệm, lãnh đạo dù là cao nhất, việc xuống với dân là trách nhiệm dân giao cho chứ không phải mang xuống ân huệ gì cả, nên không cần phải "nhiệt liệt chào mừng". Đồng chí Võ Chí Công đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đúng như thế.
Nhờ tiếp xúc nhiều và sâu sát với nông dân, đồng chí Võ Chí Công sớm thấu hiểu thực chất về khoán "chui" và tin nông dân mình đúng. Những người nông dân ở nơi mà đồng chí đi thực tế từng nói với tôi với sự ngạc nhiên rất lớn của họ về một vị Ủy viên Bộ Chính trị khuyến khích nông dân tham gia khoán ruộng giữa lúc không được phép như thế. Có lẽ đấy cũng là cách mà ông tổ chức thí điểm để làm cơ sở thực tiễn cho những quan điểm lý luận của mình. Nhưng điều khiến tôi cũng như nhiều anh em làm báo về mảng nông nghiệp thời đó và mãi sau này kính phục đồng chí Võ Chí Công là: Ông đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân.
Giờ đây, nhìn vào cuộc đời đồng chí Võ Chí Công, tôi nghĩ có thể học được rất nhiều điều. Nhưng điều tôi cho rằng cần thiết nhất là làm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cần phải đắm chìm trong dân để thấu hiểu thực tiễn một cách chân thực nhất. Chúng ta cần đổi mới cách tiếp cận thực tế, cách tiếp xúc với dân; phải loại bỏ dần những gì hình thức, phù phiếm. Tôi thấy, đôi khi chính sách, pháp luật chưa đi vào cuộc sống là vì cơ sở thực tiễn còn yếu, vì chúng ta chưa sâu sát thực tiễn phong phú của đời sống xã hội.
Một điều nữa là cần phải biết trọng dụng người tài, phải xây dựng được cơ chế để mỗi vị trí lãnh đạo chúng ta lựa chọn được người xuất sắc nhất. Chỉ có người lãnh đạo có tài thực sự mới giúp cho những người dưới mình sẵn sàng nói sự thật ngay cả khi đông đảo người xung quanh phản đối. Chúng ta cần nhiều, thật nhiều cán bộ dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm như đồng chí Võ Chí Công. Để được như vậy, cần tăng cường dân chủ trong cơ quan, tổ chức, địa phương và toàn xã hội; dân chủ sẽ giúp cán bộ và nhân dân mạnh dạn nói lên sự thật, chỉ có sự thật mới thúc đẩy thực tiễn phát triển đúng hướng và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.