(HNM) - Những cánh bãi sông Hồng, sông Đuống của Gia Lâm trước đây vốn chỉ được trồng toàn ngô, khoai, đậu thì giờ đây như được khoác tấm áo mới với những vùng cây ăn quả ngút ngàn, những vùng chuyên canh rau trù phú.
Người dân xã Cổ Bi trồng cây ăn quả trên đất bãi cho thu nhập 500 triệu đồng/ha canh tác. |
Đến xã Phú Thị khi người dân các thôn trên địa bàn xã đang rôm rả bàn bạc về những phương án dồn điền, đổi thửa vùng đất bãi. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Huy cho hay, nếu như ở nhiều địa phương diện tích đất bãi sản xuất hiệu quả thường không cao, bấp bênh hơn so với đất trồng lúa trong đồng thì ở Gia Lâm lại đang chứng minh điều ngược lại: Đất bãi đang làm tăng giá trị thu nhập cả trăm triệu đồng/héc ta canh tác. Để nâng cao giá trị thu nhập, đất bãi đã được địa phương lên kế hoạch dồn điền, đổi thửa, giúp người dân tích tụ ruộng đất và mạnh tay hơn khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo ông Huy, xã Phú Thị có 5 thôn thì 3 thôn có diện tích đất nông nghiệp ngoài bãi là Đại Bảng, Hàn Lạc, Châu Khê với diện tích khoảng 100ha, đến nay đã được phủ xanh bởi ngút ngàn chuối tiêu hồng. Tuy nhiên, do ruộng đất chia trước đây nhỏ lẻ, trung bình mỗi hộ có 6 thửa nên nhiều hộ dân đã cho người nơi khác đến thuê lại thành vùng sản xuất. Triển khai dồn đổi ruộng đất, xã sẽ quy hoạch và cứng hóa hệ thống giao thông ngoài bãi, sẽ kéo điện ra bãi để người dân tiện chăm sóc cho hoa màu.
Xuôi theo đê Đuống về xã Cổ Bi, cả cánh bãi trải dài ngút ngàn bởi chuối, đu đủ, táo… Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cổ Bi Đinh Tất Thắng cho biết, với 100% diện tích đất bãi trồng cây ăn quả, trở thành vùng đất vàng, đất bạc của người dân nơi đây. Đến nay, giá trị thu nhập/ha canh tác của địa phương tại vùng bãi có giá trị 500 triệu đồng/ha.
Không riêng gì vùng bãi ven sông Đuống, khu vực bãi sông Hồng, người dân các xã Đông Dư, Đa Tốn… chuyển sang chuyên canh trồng ổi và năm nào cây cũng ra quả trĩu cành như để trả ơn những người nông dân nơi đây chăm sóc. Đến xã Văn Đức là xã ngoài bãi, không có đất lúa, 100% hộ dân sống khá nhờ thâm canh, luân canh, tăng vụ rau màu và chăn nuôi với 250ha rau hàng hóa. Vượt qua khó khăn do phụ thuộc vào thiên nhiên, người dân Văn Đức đã khoan giếng ngầm lấy nước sản xuất. Đất khó chẳng phụ công người, giờ vùng đất bãi này đã phủ kín màu xanh của rau.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Phùng Xuân Việt cho biết, Gia Lâm có 3 vùng bãi gồm: Ven sông Hồng, vùng nam Đuống và bắc Đuống với diện tích xấp xỉ 1.000ha đã và đang được khai thác một cách hiệu quả. Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Gia Lâm đã quy hoạch và xây dựng các đề án phát triển vùng lúa, vùng rau an toàn, hoa cây cảnh, chăn nuôi thủy sản… Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở Cổ Bi, Phú Thị, Kim Sơn; vùng rau ở Văn Đức, Đặng Xá; vùng chăn nuôi ở Phù Đổng, Văn Đức, Duyên Hà… Nếu như năm 2008, diện tích rau cả năm của huyện chỉ đạt 1.305ha, trong đó, diện tích RAT đạt 780ha thì đến nay, diện tích rau của huyện ước đạt 2.070ha, tăng 765ha so với năm 2008, trong đó diện tích rau an toàn đạt gần 1.300ha cho giá trị thu nhập trung bình đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Một số vùng chuyên canh như Văn Đức, Yên Viên, Đặng Xá… cho thu nhập 300-500 triệu đồng/ha. Diện tích trồng cây ăn quả, cây cảnh đã mở rộng thành 846 ha; tăng 400ha so với năm 2008…
Nông thôn Gia Lâm đã và đang hình thành theo hướng mỗi làng, mỗi xã gắn với một sản phẩm nông sản, hàng hóa điển hình, mang một nét riêng mà không một nơi nào có được. Để hỗ trợ nông dân, trong 5 năm gần đây, huyện Gia Lâm đã trích kinh phí gần 8 tỷ đồng hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Đồng thời, huyện cũng tổ chức gần 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ và nhân dân kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. Vẫn mảnh đất này nhưng với kinh nghiệm và sự nhạy bén của mình, người dân Gia Lâm đã thay đổi cách sản xuất và làm ăn, biết tận dụng lợi thế của địa phương để trồng những loại cây, quả phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, sản phẩm của đất ngày càng sinh sôi, nảy nở, mang lại giá trị cao khiến đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng cao, tạo diện mạo mới cho nông thôn Gia Lâm ngày càng khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.