Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Thiện Mỹ| 20/06/2022 06:26

(HNM) - Đã hơn một tuần trôi qua, dư âm của phiên đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân, lao động (diễn ra ngày 12-6) vẫn đọng lại trong tâm tưởng nhiều người. Những tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của công nhân đã được đại diện các bộ, ngành, người đứng đầu Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và đưa ra phương cách giải quyết. Điều này đã củng cố niềm tin, tiếp thêm động lực để đội ngũ công nhân cả nước thêm tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cống hiến, góp sức đưa đất nước phát triển.

Những năm qua, với nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều vấn đề cấp bách của công nhân, lao động được khẩn trương giải quyết. Thiết thực nhất là hệ thống chính sách an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được hoàn thiện; chính sách về nhà ở ngày càng được quan tâm... Nhiều chương trình ý nghĩa được cả xã hội chung tay thực hiện, trở thành nguồn động viên, khích lệ quý báu với người lao động.

Dẫu vậy, đời sống của phần lớn công nhân vẫn còn khó khăn. Nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách về chốn an cư, tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động với người lao động chưa giải quyết được triệt để; cường độ làm việc của công nhân cao, nhưng tiền lương, thu nhập chưa tương xứng, cuộc sống còn nhiều bấp bênh...

Thực tế này rất đáng suy nghĩ. Công nhân - giai cấp lãnh đạo cách mạng, lực lượng tiên phong, chính yếu, nòng cốt thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng lại đang đối mặt với quá nhiều khó khăn. Kinh tế eo hẹp, khó khăn, phần lớn người lao động mới chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa giàu lý tưởng, chưa đủ nhiệt thành để có những đóng góp trách nhiệm cho doanh nghiệp, đất nước...

Vậy “chìa khóa” nào khơi nguồn sức mạnh, tạo cơ hội để công nhân được cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước? Con đường ngắn nhất, rộng mở nhất chính là bằng mọi giải pháp, phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động!

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: Năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, công nghiệp tương đối hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Thực hiện mục tiêu này, công nhân là một trong những lực lượng chủ lực gánh trọng trách nặng nề. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền sứ mệnh của giai cấp công nhân, rất cần hơn nữa các hoạt động tôn vinh để người dân thay đổi cách đánh giá về vai trò, vị trí của họ trong xã hội. Chỉ khi nhận thức đúng bản chất về sứ mệnh, vai trò to lớn mà lực lượng công nhân đang đảm nhiệm thì xã hội mới dành những nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho lực lượng này.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi đội ngũ công nhân không ngừng hiện đại, lớn mạnh; bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tỷ lệ lao động được đào tạo bài bản ở nước ta hiện còn hạn chế. Trong điều kiện như vậy, phải có giải pháp nhanh hơn, gấp rút hơn trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề lực lượng lao động hiện tại và đầu tư cho lực lượng sắp bước vào độ tuổi lao động. Giải pháp và lộ trình giải quyết vấn đề này đã được Thủ tướng và đại diện các bộ, ngành liên quan đề cập tại buổi đối thoại vừa qua. Song, để hiệu quả thật sự thì các cấp chính quyền, các bộ, ngành cần vào cuộc đồng bộ, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sẽ gây khập khiễng trong triển khai chính sách. Bên cạnh đó, nhất thiết phải xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích người lao động nâng cao kiến thức, tay nghề.

Việc này không chỉ của riêng cơ quan chức năng, mà chính doanh nghiệp cũng phải cộng hưởng góp sức, bởi lao động giỏi là “tài sản” quý của doanh nghiệp.

Và điều thiết thực, ý nghĩa nhất với mọi công nhân lao động, đó là phải làm sao để họ có thu nhập ổn định, có khoản tích lũy phòng khi ốm đau, cơ nhỡ; có nơi ăn chốn ở, con cái được học hành thuận lợi; đời sống tinh thần đa dạng, phong phú... Quan tâm và hóa giải được nút thắt này chính là giải phóng những bức bách trong đời sống của công nhân, giúp họ yên tâm làm việc, có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, nhận thức. Khi được tôn trọng, có thu nhập tương xứng, người lao động sẽ hăng say lao động, sáng tạo.

Để hun đúc được tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc cho công nhân, lao động, cần rất nhiều yếu tố, trong đó là sự tổng hòa từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động của các cấp công đoàn, của chính người sử dụng lao động... Khi cả xã hội cùng quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân lao động, cũng là mở ra cơ hội để họ an tâm cống hiến, nâng cao bản lĩnh, qua đó thực hiện sứ mệnh lịch sử, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng yêu cầu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.