(HNMO) - Trước những đòi hỏi về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cụ thể hóa quy định quyền con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Qua đó, cũng xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nêu trên.
Thiếu quy định về an toàn giao thông đường bộ
Những năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là về số người tử vong.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc đã xảy ra hơn 361 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113 nghìn người, bị thương hơn 356 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người thương vong trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn. Như vậy, trung bình hằng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương...
Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập, giao thông hỗn hợp mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, lực lượng chức năng đã xử lý trên 65 triệu trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước trên 33 nghìn tỷ đồng. Đã xảy ra 596 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 7 cán bộ hy sinh, 186 cán bộ bị thương, nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm vẫn chủ yếu là thủ công, hệ thống giám sát còn hạn chế. "Như vậy, quyền con người, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm", Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Thực tế tại địa phương, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nhận định, hiện chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác này, dẫn đến việc đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới khi số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh.
Hoạt động giao thông đường bộ liên quan, tác động trực tiếp đến quyền con người đó là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi đi lại. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, những quyền này phải được quy định trong văn bản luật. Theo đó, một số chế định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như quy tắc giao thông, người và phương tiện tham gia giao thông nhưng vẫn còn nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.
Bảo đảm việc phân công chức năng quản lý nhà nước
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự xã hội chủ yếu quản lý trạng thái “động”; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh trạng thái “tĩnh”. Như vậy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh hai trạng thái “động” và “tĩnh” đan xen, chồng lấn nhau. Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đều phải dùng các nghị định của Chính phủ, thông tư để điều chỉnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.
“Qua các hội thảo, tọa đàm giữa Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức nghề nghiệp, đã phân tích kỹ, thấy rằng cần phải có hai đạo luật quy định rất cụ thể hai vấn đề này”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định.
Trong đó, dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng nhằm tạo lập thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển (trạng thái động).
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh các nội dung: Quy tắc giao thông; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là những chế định nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, duy trì trật tự, kỷ cương. Dự thảo không quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, việc tách hai luật này bảo đảm việc phân công chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông, giúp quá trình thực hiện nhất quán, đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.
Về vấn đề thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được dư luận quan tâm, Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3-2022 của Chính phủ nêu rõ, chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đề nghị nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.