Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng tốt hơn tín dụng chính sách xã hội

Nhóm phóng viên| 22/10/2022 07:11

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3418/ UBND-KGVX ngày 14-10-2022 về tiếp tục triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cùng các địa phương đang tập trung thực hiện tín dụng chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mê Linh tư vấn chính sách tín dụng cho người dân. Ảnh: Phạm Linh

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh:
Gắn tăng trưởng cho vay với nâng cao chất lượng tín dụng

Trong 20 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội thực hiện theo Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được triển khai hiệu quả, khẳng định chính sách này đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong từng giai đoạn. Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố chủ động tham mưu UBND thành phố, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố triển khai hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội từ nguồn vốn trung ương, thành phố. Đơn vị bảo đảm hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch giao hằng năm, gắn tăng trưởng dư nợ cho vay với giữ vững, nâng cao chất lượng tín dụng; tổ chức quản lý nguồn vốn chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách, bảo đảm an toàn vốn.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh:
Góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững

Nhiều năm qua, huyện Phú Xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội lồng ghép với các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi khu vực nông thôn. Từ chỉ đạo của UBND thành phố trong Công văn số 3418/UBND-KGVX, huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề để người nghèo, đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời, tổ chức triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng thụ hưởng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa:
Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội được quận Hà Đông xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên nên hiệu quả triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến 100% phường, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận lợi, kịp thời. Từ đó góp phần giúp các hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, tạo điều kiện cho các em học tập tốt.

Bà Phạm Thị Xuân (phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân):
Sử dụng vốn hiệu quả để cải thiện cuộc sống

Do hoàn cảnh gia đình, tôi một mình nuôi con ăn học trong điều kiện bản thân không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh do sức khỏe yếu. Hai mẹ con tôi nhiều năm sống trong căn nhà cũ, chỉ rộng vẻn vẹn hơn 10m2, điều kiện vật chất thiếu thốn. Gia đình nhiều năm liền luôn trong danh sách các hộ cận nghèo. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, tháng 7-2022, tôi được tạo điều kiện vay 125 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội để sửa nhà, mua xe máy cho con trai có phương tiện làm công việc giao hàng. Với tôi, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, mà còn góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn hiệu quả và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Phùng Văn Thanh (thôn Mộc Hoàn Đinh, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức):
Ngày càng có nhiều hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã Vân Côn. Năm 2020, tôi may mắn được Ngân hàng Chính sách tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào mô hình trồng cây ăn quả. Từ nguồn vốn ban đầu, tôi học hỏi cách trồng ổi, bưởi và một số loại cây ăn quả khác... Sau gần 2 năm, tôi đã hoàn trả 100% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và vươn lên thoát khỏi diện cận nghèo. Tôi mong muốn Ngân hàng Chính sách sẽ ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, quan tâm đến hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch tại xã, thị trấn... để ngày càng có nhiều hộ nghèo được tiếp cận vốn ưu đãi, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng tốt hơn tín dụng chính sách xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.