(HNM) - Tính đến hết tháng 6-2019, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đã lên hơn 200 nghìn tỷ đồng, tăng gần 13 nghìn tỷ đồng so với năm 2018. Như vậy, nguồn vốn phục vụ các chương trình tín dụng chính sách liên tục tăng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, hiện nay tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng, tăng gần 13 nghìn tỷ đồng so với năm 2018. Nguồn vốn ủy thác của địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách đạt 14.128 tỷ đồng, tăng 2.318 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 198.505 tỷ đồng, tăng 10.713 tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn...
Theo ông Nguyễn Văn Lý, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho gần 113.000 lao động, trong đó hơn 3.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, nguồn vốn vay giúp hơn 8.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng hơn 757.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 10.000 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…
Đặng Tùng Lâm, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: "Gia đình tôi ở tỉnh Hà Nam, bố mẹ không đủ tiền trang trải cho tôi đi học ở Hà Nội. Nhưng, may mắn là gia đình tôi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất rất thấp, nên tôi vừa đi học, vừa có thể đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ trang trải khoản vay".
Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) cho hay: "Gia đình tôi có trang trại chăn nuôi nhỏ, vì thiếu vốn nên nhiều năm nay không phát triển. Nhờ việc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tôi đã có thể mở rộng trang trại, với quy mô gấp 3 lần trước đây, nên thu nhập đã ổn định hơn".
Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ: "Thời gian qua, Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Đến nay, Agribank đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn…
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ngân hàng Chính sách xã hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh: "Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động làm việc với các bộ, ngành để bố trí đủ nguồn vốn thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu cùng bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí cấp vốn bổ sung 2.000 tỷ đồng để cho vay mua nhà ở xã hội theo quy định. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức huy động vốn theo kế hoạch đã giao nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng. Đặc biệt, với những nhu cầu vay vốn bức thiết mới phát sinh như người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cháy rừng tại một số tỉnh miền Trung… Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, linh hoạt giải quyết cho vay nhằm giúp bà con tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.