(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn bò sữa lớn. Các hợp tác xã, doanh nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Mai cho biết, hiện nay, mỗi ngày, công ty thu mua 1,5-2 tấn sữa nguyên liệu cho nông dân để sản xuất sữa tươi và chế biến các sản phẩm khác từ sữa. Hiện công ty có hơn 20 loại sản phẩm từ sữa, trong đó có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh...
Theo Giám đốc Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Khúc Văn Trọng, 2 sản phẩm của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là: Sữa tươi Phù Đổng thanh trùng không đường và sữa tươi Phù Đổng thanh trùng. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để có nhiều hơn nữa sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn OCOP phục vụ nhu cầu tiêu dùng với thương hiệu “Sữa Phù Đổng”.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng đàn bò sữa của Hà Nội hiện có hơn 15.500 con, sản lượng sữa đạt khoảng 38.700 tấn/năm. Toàn thành phố đang có 29 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ngoài khu dân cư, tổng đàn 747 con. Chăn nuôi bò sữa ổn định ở 2 vùng trọng điểm là các huyện: Ba Vì, Gia Lâm. Hà Nội hiện có 7 công ty cùng 3 nhà máy chế biến sữa, 32 trạm thu gom sữa tươi cho nông dân. Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều cơ sở, hộ chế biến, kinh doanh sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa như bánh sữa, sữa chua... Thời gian qua, các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết chăn nuôi bò sữa giữa hợp tác xã và nông dân còn ít, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm sữa bò hạn chế, chăn nuôi bò sữa của Hà Nội còn nhỏ lẻ... Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố. Muốn giải quyết những vấn đề này rất cần sự chung tay, hỗ trợ ở mức độ cao hơn từ các ngành chức năng.
Giám đốc Hợp tác xã Nông trại xanh Ba Vì Tạ Việt Hùng cho biết, hợp tác xã đang phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô hơn 100 con. Quy trình sản xuất được đơn vị áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã rất cần các ngành chức năng hỗ trợ về quảng bá, tuyên truyền sản phẩm qua các kênh khác nhau. Thông qua việc mở rộng đầu ra cho sản phẩm sữa sẽ góp phần thúc đẩy nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân...
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, để các sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm bò sữa phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa ở các xã trọng điểm. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương thúc đẩy các chuỗi liên kết tiêu thụ sữa bò giữa các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại với doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng thương hiệu, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tăng cường đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị, quy trình sản xuất, chế biến khép kín nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm từ sữa; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm bò sữa đạt tiêu chuẩn OCOP, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.