Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng nhu cầu cấp bách

Bắc Vũ| 09/11/2022 06:37

(HNM) - Thực tế thời gian qua, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám, chữa, phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng này có liên quan trực tiếp đến những tồn tại, hạn chế trong việc đăng ký lưu hành các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp để giải quyết dứt điểm, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác khám, chữa bệnh. Đến nay, Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hạn hiệu lực, tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31-12-2022.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các quy định liên quan trong quá trình triển khai các chính sách, pháp luật về cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia; đồng thời, công bố rộng rãi kết quả đấu thầu, thành lập tổ công tác để hỗ trợ công tác đấu thầu, mua sắm thuốc…

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cùng với hàng loạt vấn đề liên quan đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nghị quyết nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết để khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Trong đó, vấn đề lớn nhất, đáng quan tâm thời gian qua được Chính phủ chỉ đạo là các bộ, ngành phối hợp, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật liên quan đến việc mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế. Tinh thần chung là phải xử lý nhanh nhất các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế.

Một vấn đề nữa rất đáng lưu ý trong Nghị quyết trên là trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế trong việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Theo đó, bên cạnh việc tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này.

Như vậy, theo chức trách, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, địa phương, nhất là ngành Y tế cần khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 144/NQ-CP. Đặc biệt, quá trình thực hiện, ngành chức năng cần kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm. Đồng thời thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo quy định; tập trung quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Trong bối cảnh việc đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, có nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành và diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ…, việc bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế là rất cấp bách và cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng nhu cầu cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.