Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng cái xã hội cần

Đình Hiệp| 24/01/2017 06:48

(HNM) - Dự báo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2017 số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân gia tăng lên đến hơn 200 nghìn người. Trong khi các nhà trường, phụ huynh cũng như học sinh đang “phát sốt” với kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra, khi mà nhiều người vẫn còn quan niệm rằng vào đại học là cánh cửa duy nhất để tiến thân lập nghiệp, thì con số vừa nêu là điều rất đáng suy ngẫm.


Thực ra câu chuyện cử nhân đi làm công nhân, lao động phổ thông hay do thất nghiệp nên tiếp tục học thạc sĩ đã trở nên phổ biến nhiều năm qua. Thế nhưng, có một nghịch lý đang tồn tại ở thị trường lao động Việt Nam là nhiều doanh nghiệp nước ngoài than phiền rất khó tuyển dụng những lao động chất lượng cao, thậm chí cả công nhân giỏi tay nghề. Vì thế, con số hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, trái nghề nêu trên đã phần nào phản ánh sự bất cập trong đào tạo đại học của nước ta hiện nay, hay nhìn rộng hơn là đào tạo không theo nhu cầu của xã hội.

Phải chăng đây là hệ lụy của việc ra đời hàng loạt trường đại học dân lập, hay các trường đại học công lập được "lên đời" từ các trường cao đẳng ở nhiều địa phương thời gian qua? Trong khi chất lượng “đầu ra” - các cử nhân lại không được quan tâm - không được thị trường lao động chấp nhận, thậm chí nhiều nhà tuyển dụng phải đào tạo lại.

Tại hội nghị hiến kế các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học được Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, đã có nhiều ý kiến đưa ra để lý giải cho con số hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp. Những nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng này là do tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoặc cơ cấu cung - cầu không gặp nhau; chất lượng nguồn nhân lực cung không phù hợp với chất lượng cầu; sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Trong khi đó, tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng dẫn đến sự hiểu biết hạn chế của học sinh lẫn phụ huynh về cơ cấu ngành nghề và tầm quan trọng của các bậc đào tạo.

Trên thực tế cho thấy, trong số hơn 425 trường đại học và cao đẳng trong cả nước, chất lượng đào tạo ở mỗi trường là khác nhau. Chắc chắn rằng không phải tổ chức đào tạo nào cũng bảo đảm được chất lượng “đầu ra” để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến việc sinh viên sau khi tốt nghiệp không kiếm được việc làm hoặc làm không đúng chuyên ngành đào tạo.

Để giải quyết những bất cập trên, trước mắt cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người học về cách lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường lao động. Tiếp theo, cần đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS, THPT để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu cơ cấu nhân lực cần sử dụng của thị trường. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học trong nắm bắt nhu cầu sử dụng, đặt hàng đào tạo cung ứng cho người sử dụng lao động.

Điều quan trọng hơn, việc đổi mới chương trình đào tạo cần thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cùng với sự chủ động của sinh viên trong rèn luyện các kỹ năng “mềm” (ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp…) khi còn ngồi trên giảng đường, cơ sở đào tạo cũng cần đổi mới công tác quản trị cả về mô hình tổ chức, giảm tính hành chính, tăng tự chủ nhưng vẫn bảo đảm minh bạch, công khai; đồng thời đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội để tránh đào tạo tràn lan, không phù hợp với những ngành, lĩnh vực mà thị trường lao động đang cần. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng cái xã hội cần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.