Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dập dịch như thế nào khi chưa xác định được nguồn lây?

Thu Trang| 08/04/2020 14:58

(HMNO) - Sáng 8-4, Bộ Y tế công bố thêm trường hợp bệnh nhân 251 (64 tuổi ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam nhiễm Covid-19. Như vậy, ngoài hai ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh), đến nay, chúng ta đã ghi nhận thêm 3 bệnh nhân: 237, 243 và 251 chưa xác định được nguồn lây. Vậy, việc chưa xác định nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ảnh hưởng như thế nào đến công tác dập dịch hiện nay?

Bệnh nhân 243 mới nhiễm, không lây từ Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 8-4, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, với 3 bệnh nhân mắc Covid-19 nêu trên, hiện chúng ta chưa xác định được nguồn bệnh lây cho những bệnh nhân này. Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn khẳng định, dịch Covid-19 ở nước ta có sự lây lan trong cộng đồng nhưng chưa lây lan lớn.

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, trường hợp bệnh nhân 243 (ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), nhiều người cho rằng, nguồn lây của bệnh nhân này từ Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, bệnh nhân này vào Bệnh viện Bạch Mai từ rất sớm (ngày 12-3). Đến ngày 4-4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và ngày 5-4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. "Chúng tôi đã đặt ra vấn đề là phải xét nghiệm kháng thể xem người này nhiễm lâu chưa hay là mới nhiễm. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương không phát hiện kháng thể trong cơ thể bệnh nhân. Qua đây, chúng tôi nghĩ rằng, đây là trường hợp mới nhiễm", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong quá trình điều tra dịch tễ, bệnh nhân này tiếp xúc với nhiều người ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả những nơi có nguy cơ cao và ở những bệnh viện khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta không thể khẳng định, bệnh nhân 243 lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết, chính vì chưa biết chắc chắn bệnh nhân 243 lây nhiễm từ đâu và khi nào nên không có cơ sở khẳng định thời gian ủ bệnh của bệnh nhân là 23 ngày.

Theo quy luật sinh học, thời gian ủ bệnh của vi rút SARS-CoV-2 trung bình từ 5-6 ngày, tối đa là 14 ngày. "Các nước trên thế giới ghi nhận những bệnh nhân thời gian ủ bệnh lâu hơn 14 ngày, điều đó có thể do quá trình điều tra dịch tễ chưa thực sự đúng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đều khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Nâng cấp độ phòng dịch tại bệnh viện

PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, trong khi việc tìm nguồn lây nhiễm khó khăn thì vấn đề đặt ra hiện nay chính là biện pháp dập dịch như thế nào quan trọng hơn.

Việc cần thiết phải làm hiện nay là xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ổ dịch, đồng thời tiến hành cách ly bệnh nhân, người tiếp xúc gần và khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao. "Khi dịch lây lan trong cộng đồng dù chưa nhiều, nhưng vì chúng ta không biết đâu là nguồn nên quan trọng là phải tuân thủ giãn cách xã hội để người bệnh không tiếp xúc người lành và ngược lại. Như vậy, các trường hợp mắc bệnh không còn khả năng lan truyền dịch thì chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dù số ca mắc của Việt Nam chưa cao, nhưng chúng ta đã áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt. Tuy nhiên, sự quyết liệt này phải được thực hiện triệt để ở tất cả các nơi. Chứ nếu nơi này làm tốt, nơi kia không thì chúng ta không biết đâu là ổ dịch, đâu là người mang mầm bệnh. Thậm chí, hiện nay, nguy cơ dịch Covid-19 từ cộng đồng lây lan vào bệnh viện là rất lớn, chứ không chỉ là nguy cơ ổ dịch trong bệnh viện lây lan ra cộng đồng. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải nâng mức đối phó và chủ động áp dụng các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế. "Hy vọng với những biện pháp mạnh mà chúng ta đang áp dụng giúp khoanh vùng, dập tắt những ổ dịch nhỏ. Khi đã dập tắt những "đốm lửa nhỏ" sẽ không bùng phát thành "đám cháy lớn"", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng cho biết, các bệnh viện đã được yêu cầu nâng lên một cấp độ về biện pháp phòng dịch trong cơ sở khám chữa bệnh.

Thời điểm này, tất cả các bệnh nhân khi đến bệnh viện đều được coi như ca nghi nhiễm Covid-19 (đối tượng F1). "Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng. Bởi, trong thực tế chỉ cần một bệnh nhân mắc Covid-19 lọt vào bệnh viện mà không kiểm soát được thì sẽ rất nguy hiểm", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dập dịch như thế nào khi chưa xác định được nguồn lây?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.