Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đắp bồi ''phù sa'' cho đất nước

Vân Lam| 26/03/2022 14:10

(HNMCT) - Nếu chỉ quẩn quanh trong cố gắng học tập, đi làm, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, dành dụm một chút để có thể hưởng thụ và tiết kiệm cho đời sau thì dường như cuộc đời ấy vẫn còn thiếu đi một chút ý nghĩa.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” - làm gì cho Tổ quốc không hẳn là những gì lớn lao, mà mỗi người đóng góp một chút để nhiều giọt nước sẽ thành biển lớn, như những gì mà nhân vật trong tập truyện ngắn “Phù sa châu thổ” của nhà văn Hoài Hương đã thực hiện.

Tiếp nối mạch cảm hứng từ dòng chảy truyền thống cách mạng, quê hương, “Phù sa châu thổ” phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng như môi trường, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19. Những nhân vật trong tập truyện luôn nỗ lực đóng góp cho mảnh đất nơi mình đang gắn bó.

Như trong truyện ngắn “Phù sa châu thổ”, nhân vật Hoàng xót xa trước hậu quả của biến đổi khí hậu mà nguyên nhân phần lớn lại do chính con người; nữ kỹ sư IT tài năng Phù Sa lại không chỉ đam mê công nghệ thông tin mà còn truyền “tình yêu với đất”, tiếp năng lượng đến những người khác về sống sạch, sống xanh, về tiêu dùng thông minh, hạn chế rác thải nhựa. Trong truyện ngắn “Vâng! Đó là thành phố quê hương tôi”, nhân vật Việt - "nam thần" trong giới mỹ thuật thành phố đau đáu với "cơm áo, gạo tiền" mà vẫn cháy bỏng đam mê vẽ về đề tài lớn “Thống nhất” mang ý nghĩa về sự đoàn kết ba miền, về tinh hoa văn hóa Việt, về khát vọng và ước mơ một quốc gia giàu mạnh.

Diệu Hoàng - nữ MC nổi tiếng xinh đẹp, tài năng trong tác phẩm “Covid đi qua tình yêu ở lại” không thể ngồi yên trong bốn bức tường chờ dịch bớt căng mà “lao” vào đội quân tình nguyện hằng ngày dậy từ 4h sáng để chuẩn bị suất ăn đưa đến các bệnh viện dã chiến hay phát cho những lao động nghèo đang đứt bữa.

Nếu trong truyện ngắn “Giấc mơ cánh đồng lúa rồng”, cặp đôi nhân vật Châu Long - Hoàng Lâm là cả một bầu trời tình yêu với cây lúa Việt, đam mê nghiên cứu các giống lúa cho gạo thơm ngon, thì trong tác phẩm “Tuổi 20 sóng gió, tuổi 25 ngọt ngào”, chàng trai IT tài năng Tuấn mang trong mình ước mơ cao đẹp với nhiều dự án tương lai “về thành phố thân yêu của mình”, để nó trở thành “một thành phố thông minh, một thành phố rực rỡ ánh sáng ngang tầm những thành phố lớn nhất của hành tinh”...

“Phù sa châu thổ” mang đậm hơi thở của giới trẻ đương thời, thể hiện qua cách dùng từ “theo ngôn ngữ thế hệ Z”, cách xây dựng hình tượng nhân vật hay các tình huống truyện. Bối cảnh truyện đa dạng, cho thấy kiến văn khá rộng của tác giả.

Gồm 12 truyện ngắn và 5 tạp văn, tập sách “Phù sa châu thổ” là niềm tự hào không gì so sánh của nhà văn Hoài Hương “sau 46 năm được là công dân thành phố Hồ Chí Minh”. Viết về thành phố phương Nam sôi động, nhưng trong “Phù sa châu thổ” vẫn thấp thoáng hình ảnh Hà Nội, mảnh đất mà nhà văn đã gắn bó hơn 10 năm ấu thơ. Cùng với đó là những trang tản văn về các chuyến đi đến những miền rừng xanh thẳm. “Phù sa châu thổ” được NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắp bồi ''phù sa'' cho đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.