Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Nhóm phóng viên| 28/03/2023 06:24

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Cơ quan chức năng, cùng các quận, huyện, thị xã đang và sẽ vào cuộc đồng bộ, đưa ra giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng lao động, gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm; phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt 73,2%.

Hướng dẫn nghề may cho học viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Chú trọng gắn kết với doanh nghiệp

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, công tác đào tạo nghề được gắn kết với doanh nghiệp, giải quyết việc làm. Từ đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hình thức đào tạo. Sở cũng chủ động tham mưu với UBND thành phố ban hành và triển khai công tác đào tạo nghề và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Năm 2022, Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo cho 251.500 người, đạt 112% kế hoạch, tăng 13,2% so với năm 2021, góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt gần 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng: 
Điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn

Công tác đào tạo nghề của huyện những năm qua được triển khai cùng với các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và được điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn. Đối tượng được ưu tiên đào tạo là thành viên gia đình người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất… Hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 80% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Trên cơ sở 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 70/KH-UBND, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo nghề trong giai đoạn mới, theo hướng phù hợp với nhu cầu của người học và gắn kết chặt chẽ với thị trường việc làm.

Bà Vũ Thanh Hà, phường Quang Trung (quận Hà Đông): 
Tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp

Giới trẻ ngày nay đã thực tế hơn trong lựa chọn các cơ hội học tập, định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Trong khi sinh viên đại học đứng trước nguy cơ “khủng hoảng thừa”, cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm cơ hội việc làm thì các cơ sở sản xuất lại thiếu nhân lực được đào tạo chính quy. Thậm chí, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, nhân lực đào tạo được săn đón, tuyển dụng ngay trước khi tốt nghiệp. Tôi rất mong Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương phối hợp cùng các nhà trường tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp; cung cấp danh sách các cơ sở tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; những thông tin hướng nghiệp cần thiết cho học sinh, phụ huynh, tạo điều kiện cho các cháu có thêm cơ hội lựa chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp.

Ông Trương Tuấn Kiệt, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai): 
Thích ứng với thị trường lao động

Một xã hội muốn phát triển cân bằng, cần phải chú trọng đáp ứng đủ cả hai nguồn nhân lực: Nhân lực lao động trí óc và lao động sản xuất. Muốn làm được điều này, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, con người, chương trình học… để phát triển hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát triển giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với thị trường lao động, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay. 

Giám đốc Xí nghiệp Thêu (Công ty May Đức Giang) Lê Trọng Phong: 
Thay đổi nhận thức về vai trò của đào tạo nghề

Thực tế, nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, có tay nghề giỏi còn rất thiếu. Tại nhiều cơ sở sản xuất hiện nay, thợ tay nghề giỏi được trả lương cao, thậm chí cao hơn so với nhiều người có bằng đại học. Nhu cầu thị trường lớn, thu nhập tốt, đó là hai yếu tố hấp dẫn để nhiều người trẻ hiện nay phải thay đổi nhận thức về vai trò của đào tạo nghề. Các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, người dân, lực lượng lao động… về vai trò của hướng nghiệp và đào tạo nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để thu hút học viên, cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, cần phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại để khắc phục tình trạng thiếu lao động chất lượng, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.