Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo giáo viên thuộc nhóm 10 lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất

Thống Nhất| 09/12/2022 16:12

(HNMO) - Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong nhóm 10 lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất của kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, có lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhập học năm học 2022-2023. 

Đứng đầu trong nhóm 10 lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất năm 2022 là lĩnh vực kinh doanh và quản lý - với 26%. Các lĩnh vực tiếp theo lần lượt là máy tính và công nghệ thông tin - 13%; công nghệ kỹ thuật - 9%; nhân văn - 9%; sức khỏe - 6%; khoa học xã hội và hành vi - 6%; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên - 5%. Các lĩnh vực còn lại, số thí sinh trúng tuyển dao động từ dưới 1% đến 4%.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết cơ sở đào tạo tuyển sinh kém là những cơ sở chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu hoặc không có lợi thế về địa điểm và lĩnh vực đào tạo; hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống, nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai; hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với bảo hiểm xã hội để thống kê tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; phân tích dữ liệu, cung cấp thông tin định hướng cho các cơ sở đào tạo về xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cơ chế nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo giáo viên thuộc nhóm 10 lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.