(HNM) - Kỳ thi cao đẳng (CĐ) vừa qua đã cho thấy rõ hơn về sự suy giảm sức hấp dẫn của hệ đào tạo này. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng trước thực tế đó, nhiều trường đã khá linh hoạt, tìm nhiều cách để tăng lợi thế cạnh tranh như đào tạo song ngành, chăm lo cho đầu ra, đẩy mạnh quảng bá...
Tạo thuận lợi về đầu ra
Nằm trong xu hướng giảm sút về lượng thí sinh, năm nay Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh có số thí sinh dự thi chỉ xấp xỉ chỉ tiêu. Tuy vậy, đáng chú ý, sinh viên tốt nghiệp có đầu ra khá thuận lợi. Khảo sát gần đây nhất cho thấy 70% sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Bà Đặng Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học cho biết: Sau khi ra trường, sinh viên các ngành nói trên không khó để có việc làm tại các siêu thị hay các trung tâm thương mại, bộ phận vận hành thang máy... với mức lương khoảng 4-7 triệu đồng/ tháng. Nếu không làm việc tại các doanh nghiệp, các em có thể dễ dàng tự mở cửa hàng bởi công việc không đòi hỏi vốn lớn. Năm nay, hai ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhất là công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa.
Đào tạo nghề cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà |
Nhằm góp phần đẩy mạnh đầu ra, nhà trường đã tạo sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đối tác để tạo điều kiện thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên. Để có kế hoạch đào tạo tốt hơn, năm qua, nhà trường đã tổ chức khảo sát các doanh nghiệp, lấy ý kiến phản hồi. Kết quả cho thấy, các nhà tuyển dụng và sử dụng lao động có đánh giá tốt về tay nghề của sinh viên, tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ thì cần được bồi dưỡng thêm. Bà Đặng Thị Hằng Nga cho biết thêm: Trường trực thuộc thành phố Hà Nội nên có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho Thủ đô. Số học sinh Hà Nội có nguyện vọng học CĐ không nhiều, trong khi đó, nhu cầu được đào tạo của thí sinh tỉnh ngoài khá lớn. Các sinh viên không thuộc Hà Nội thì không được hỗ trợ chi phí từ ngân sách song để bảo đảm nguồn tuyển, cho tới nay nhà trường vẫn chỉ thu học phí của các em như đối với sinh viên Hà Nội.
Trường CĐ Thương mại - Du lịch năm nay lần đầu tiên tổ chức thi thay vì chỉ xét tuyển như mọi năm. Theo Hiệu trưởng Đàm Văn Hường, việc tổ chức thi giúp nhà trường tăng quyền chủ động, tuyển chọn được các thí sinh có năng lực theo yêu cầu của các chuyên ngành mà trường đào tạo. Với sự thay đổi này, hy vọng chất lượng đầu vào sẽ cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng "sản phẩm" sau này. Ngoài ra, việc thi tuyển cũng tạo kênh quảng bá về hình ảnh của trường tới các thí sinh và đông đảo người dân, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác tuyển sinh trong thời gian tới.
Đáp ứng nhu cầu của xã hội
Trong bối cảnh khó khăn chung, dường như các trường CĐ sư phạm thuộc số đi đầu trong việc tận dụng thế mạnh của mình để tăng tính cạnh tranh. Khảo sát của Trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho thấy có 79% sinh viên có việc làm đúng nghề trong 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trường khá thuận lợi trong việc thu hút thí sinh bởi đã có truyền thống đào tạo uy tín, lại nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô. Nguồn đầu vào của trường chủ yếu từ thi tuyển nên sinh viên yêu ngành học, gắn bó và tâm huyết với nghề, chất lượng đào tạo được giữ vững. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngay lập tức được các nhà tuyển dụng săn đón với mức lương tốt.
Trước ngưỡng cửa trở thành một trường ĐH đa ngành của Thủ đô, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trường sẽ phát huy thế mạnh của khối ngành sư phạm bên cạnh việc xây dựng những ngành đào tạo gắn với nhu cầu phát triển của Hà Nội, với cơ cấu hai phần ba là ngành sư phạm, còn lại là đa ngành như công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, Việt Nam học, xã hội học...
Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo trung ương cũng đang thu hút được sự quan tâm của nhiều thí sinh nhờ đánh trúng nhu cầu của xã hội. Từ năm ngoái, trường đã đào tạo "song ngành" với các chương trình giáo dục mầm non và kinh tế gia đình, giáo dục mầm non và giáo dục đặc biệt... Năm nay, trường mở thêm ngành giáo dục mầm non và sư phạm mỹ thuật, giáo dục mầm non và công tác xã hội. Việc đào tạo song ngành giúp người học có thêm khả năng xin việc làm, sự giao thoa kiến thức cũng khiến tính chuyên sâu của các ngành cao hơn. Hiệu trưởng Đặng Lộc Thọ cho biết, đầu ra của các ngành nói trên đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho mảng nhà trẻ hiện nay vốn đang ở mức rất cao, đặc biệt là tại khu vực miền Nam, những nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung nhưng đang phải chấp nhận tình trạng giáo viên đứng lớp chưa được đào tạo bài bản. Hiện nhà trường đang được giao thí điểm mô hình trường mầm non chất lượng cao của Hà Nội. Tiêu chí mà UBND TP Hà Nội đưa ra đối với mô hình này là phải có đội ngũ giáo viên chuyên biệt về sư phạm mỹ thuật, âm nhạc và thể chất, trình độ từ CĐ trở lên, đó chính là những ngành mà nhà trường đang tập trung đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.