Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Vương Đức: “Tôi làm phim về một con người xuất sắc nhất Việt Nam”

Hải Giang| 03/02/2015 06:41

(HNM) -


- Thưa đạo diễn, ông có thể chia sẻ về bộ phim này, bắt đầu từ cảnh quay mà ông và đoàn phim vừa thực hiện ở Nga?

- Cảnh quay mà chúng tôi vừa thực hiện ở Nga thuộc trường đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Liên Xô vào đầu năm 1950, có cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Stalin và viếng Lăng Lênin. Trường đoạn này không có trong kịch bản nhưng chúng tôi quyết định khai thác nhằm góp phần phục vụ cho chủ đề phim, làm nổi bật tầm nhìn và sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong việc thuyết phục bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng thời đặt nền tảng cho quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô. Tài liệu về cuộc đàm phán còn ít được biết tới này do GS, Viện sĩ, nhà Việt Nam học Anatolia Sokolov cung cấp. Đặc biệt, cảnh quay kéo dài 7 phút này đã nhận được sự giúp đỡ đắc lực của Mosfilm (hãng phim lớn của Nga), trong đó, người thể hiện vai nhà lãnh đạo Stalin là nghệ sĩ giàu kinh nghiệm đã hơn 10 lần đảm nhiệm vai này.

Đoàn làm phim tại Mátxcơva.



- Trường đoạn quay tại Nga để lại trong ông những kỷ niệm gì đặc biệt?

- Tôi đặc biệt nhớ đến cảnh quay đàn chim câu trắng - biểu tượng của hòa bình - tung bay trên đất nước bạn. Một cảnh quay hoàn toàn trên bối cảnh thật, không dùng kỹ xảo, rất ấn tượng. Nó đối lập với hình ảnh con bồ câu trắng ở Việt Bắc bị bom đạn Pháp giết hại. Trong quá trình làm phim, khi thăm một bảo tàng chiến tranh, chúng tôi đặc biệt xúc động khi gặp những người Nga đi tham quan, biết đoàn Việt Nam là họ cất tiếng "Chào đất nước Hồ Chí Minh!". Khi trả lời các bạn nghệ sĩ Nga về bộ phim, tôi đã nói ngắn gọn: "Tôi làm một bộ phim thể hiện chân dung Hồ Chí Minh - chân dung một con người xuất sắc nhất Việt Nam".

- Cánh chim hòa bình chắc chắn là thông điệp về khát vọng tự do của dân tộc mà vì lẽ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọn đời theo đuổi và cùng bao thế hệ người Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ hy sinh để giành lấy. Liệu đây có phải là dòng mạch chính xuyên suốt bộ phim không?

- Tôi dự định đặt tên phim là "Trong vòng vây" với cảnh đầu tiên là những khoảnh khắc giữa rừng Việt Bắc, khi Cụ Hồ bị giặc Pháp truy sát bằng nhiều cách. Cụ ốm và giữa cuộc sống núi rừng gian khổ, hiểm nguy ấy, Người luôn đau đáu tới câu hỏi phải làm gì để hạn chế đổ máu và tiến tới giải phóng dân tộc. Giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình thế nào trước những thử thách gay gắt của đất nước chính là thách thức, thể hiện bản lĩnh của người lãnh tụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người bình dị, tự mình giặt quần áo của mình, hy sinh biết bao tình cảm gia đình, cá nhân, chịu đựng biết bao thử thách sinh tử, bằng tầm vóc trí tuệ đi trước thời đại, luôn thể hiện khát vọng hòa bình tha thiết của dân tộc. Đó là tinh thần của bộ phim.

- Rừng núi Việt Bắc là bối cảnh chính của bộ phim, thưa ông?

- Bối cảnh phim chủ yếu là rừng Việt Bắc - một vùng rừng đặc sắc mà khi xem phim khán giả sẽ nhận thấy rõ. Để tái hiện bối cảnh đặc biệt này, đoàn phim đã phải quay ở nhiều nơi như Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn...

- Theo ông, diễn viên Bùi Bài Bình đã hoàn thành vai diễn vinh dự và cũng đầy thách thức này?

- Các nghệ sĩ Nga cũng hỏi tôi vì sao chọn Bùi Bài Bình. Tôi trả lời vì đây là một nghệ sĩ tài hoa, có vóc dáng và nhiều nét gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm ấy.

- Có rất nhiều điều tâm đắc, vậy, đến nay ông có hài lòng về bộ phim?

- Nói thật là phim chưa hoàn thành nên tôi cũng không thể nói trước là hài lòng hay không. Nhưng, nếu nói về tiền kỳ thì qua phần quay phim, nhất là đối với những trường đoạn khó thực hiện như những cảnh quay ở Nga, tôi có đôi chút hài lòng vì mình đã làm được việc tưởng như không thể làm được.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Vương Đức: “Tôi làm phim về một con người xuất sắc nhất Việt Nam”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.