(HNM) - Thời gian gần đây, các đạo diễn
Người người làm phim
Vào một ngày đẹp trời, một ông bầu, một nhạc sĩ, một diễn viên… bỗng trở thành đạo diễn phim.
Sự "lột xác" ấy đã không còn là điều lạ. Điều đáng chú ý là sự hóa thân đang có xu hướng nở rộ, bao hàm cả tính tích cực và những mặt hạn chế.
Cảnh trong phim “Thần tượng” của đạo diễn “tay ngang” Quang Huy. |
Những trung tâm văn hóa lớn của cả nước là nơi xuất hiện nhiều "nhà làm phim trái ngành" - những người chưa kinh qua môi trường đào tạo nghề đạo diễn, thậm chí là chưa từng được đào tạo về điện ảnh. Mong muốn thỏa giấc mơ "nghệ thuật thứ bảy" hoặc muốn dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh hứa hẹn danh vọng này, nhiều nghệ sĩ, nhà đầu tư đã bước vào sân chơi điện ảnh với vai trò của một đạo diễn.
Ông "bầu" Quang Huy là một cái tên được nhiều người nhắc đến trong thời gian gần đây. Khởi nghiệp là đạo diễn clip ca nhạc, sau đó trở thành "thủ lĩnh" của Công ty giải trí Wepro, Quang Huy thử sức ở điện ảnh với ít nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo diễn xuất. Bộ phim "Thần tượng" (2013) và "Chàng trai năm ấy" (dự kiến ra mắt vào cuối năm nay) là hai dự án điện ảnh "liều lĩnh" đầu tiên của anh. Hay như Hồng Ánh, một hình mẫu, diễn viên khả ái một thời của điện ảnh Việt Nam, giờ cũng đang lấn sân đạo diễn với bộ phim truyền hình đầu tay dựa trên kịch bản "Ở đây có nắng" của Việt Linh. Nhạc sĩ trẻ Nhất Trung, cựu thành viên nhóm nhạc AXN, được biết đến với những ca khúc được phổ biến rộng trong giới trẻ, giờ cũng đã gác âm nhạc sang một bên để tham gia vào cuộc chơi điện ảnh. Phim hài đầu tay của Nhất Trung là "Sài Gòn Tây du ký" - dự kiến khởi chiếu từ ngày 19-9 tới. Nhiều hãng phim tư nhân hoạt động khá sôi nổi trong thời gian qua, như Phước Sang, Hoàng Thần Tài, là nơi cho ra lò nhiều đạo diễn "tự phát", như Nguyễn Quang Minh với phim "Hello cô Ba", Nguyễn Minh Cao với "Thiên sứ 99", Trần Ngọc Giàu với "Cưới chạy"…
Không khó để có thể điểm những cái tên khác nữa, nhưng, chỉ phác qua vài gương mặt cũng đủ để thấy thị trường điện ảnh phía Nam khá cởi mở với các đạo diễn "ngoại đạo". Mỗi năm, hàng loạt tựa phim của các đạo diễn "tay ngang" được cho ra mắt, số lượng tăng dần, nay đã đủ dư dả để phục vụ khán giả trong những dịp lễ, tết. Số lượng "đạo diễn trái ngành" ngày càng tăng, mang đến cảm giác "người người làm phim, nhà nhà làm phim".
Tính hai mặt của vấn đề
Với việc số lượng phim ra rạp tăng dần sau mỗi năm, hiển nhiên là thị trường điện ảnh Việt cũng phong phú hơn, khán giả có thêm lựa chọn giải trí, thoải mái ủng hộ "hàng trong nước" chứ không còn lệ thuộc vào những "bom tấn" nước ngoài. Sân chơi điện ảnh đa dạng tạo cơ hội cho những người không có điều kiện học điện ảnh chính quy thỏa ước nguyện theo nghiệp đạo diễn, ấp ủ ước mơ chinh phục "nghệ thuật thứ bảy". Ở họ có nhiều ý tưởng làm phim độc đáo, tươi mới, "ngoài sách vở", giúp ích ít nhiều cho nền điện ảnh.
Tuy nhiên, đạo diễn điện ảnh không phải là nghề mà ai giàu nhiệt huyết tất sẽ thành công, cứ có nhà tài trợ là ra được phim hay. Đó cũng không phải nghề dễ dàng dung nạp những ai "rẽ qua cho vui" hoặc vì mục đích tìm kiếm danh vọng trong chớp mắt. Đành rằng, một phim ăn khách có thể khiến nhà đầu tư thu lãi lớn hay một đạo diễn "tay mơ" bỗng chốc nổi như cồn. Nhưng muốn đủ sức trụ lại với thị trường điện ảnh, ghi dấu ấn bền vững trong lòng công chúng thì không phải ai cũng có thể làm được. Chẳng phải ai tự nhiên nhảy bổ vào điện ảnh cũng thành danh như Quentin Tarantino, Tim Burton, James Cameron… Những đạo diễn chưa "qua trường" chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn khởi nghiệp. Một cách thẳng thắn thì phim của họ thường thiếu tính chuyên nghiệp và khó tạo dấu ấn nghệ thuật riêng. Như phim "Thần tượng" của Quang Huy bị nhiều khán giả đánh giá là chẳng khác gì "một MV ca nhạc dài hơi". Phim "Sài Gòn Tây du ký" của Nhất Trung chưa ra mắt đã xuất hiện
ý chê nội dung mang tính "lẩu thập cẩm".
Hơn nữa, dễ nhận thấy một điều là khi "sân chơi" có quá nhiều "người muốn chơi" mà cơ hội lại nghiêng nhiều về phía những người có tiền, tất yếu "đất" dành cho những đạo diễn trẻ tài năng, "trường lớp hẳn hoi" bị thu hẹp lại. Không tên tuổi, không quen biết, không đủ tiền để "lọt mắt" những hãng lớn, những người giỏi có thể mai một tài năng.
Điện ảnh Việt Nam hiện nay, nhìn chung, vẫn bị khán giả đánh giá là "thừa lượng, thiếu chất". Những người "tay ngang" có thể dễ dàng giúp cho điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều phim (chỉ tính riêng cuối năm nay đã có 6 tựa phim Việt đồng loạt ra mắt), nhưng không dễ thỏa mãn đòi hỏi từ phía khán giả khó tính. Hơn nữa, khi những đạo diễn trẻ tài năng bị thu hẹp cơ hội làm nghề thì dần dà, "cơn đói" phim hay sẽ ngày một trầm trọng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.