(HNMCT) - Không chỉ nổi tiếng về diễn xuất, đạo diễn, NSND Trọng Trinh còn là người tạo nên nhiều bộ phim truyền hình rất được yêu thích như: “Cầu vồng tình yêu”, “Zippo, mù tạt và em”, “Cả một đời ân oán”… Ông đã chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần những vấn đề xung quanh việc làm phim truyền hình hiện nay.
- Thưa đạo diễn, NSND Trọng Trinh, trong thời gian gần đây phim truyền hình trong nước đã thu hút được sự quan tâm theo dõi của khán giả. Theo anh, đâu là lợi thế của dòng phim này?
- Lợi thế của phim truyền hình là đi sâu vào những ngóc ngách của đời sống với những câu chuyện gần gũi hằng ngày. Sự gần gũi ấy giúp công chúng có thể tiếp cận phim một cách thoải mái. Với phim chiếu rạp, người ta phải thu xếp thời gian mới có thể đến để thưởng thức. Còn phim truyền hình có thể vào từng ngôi nhà vào bất cứ thời điểm nào, có khả năng thu hút nhiều đối tượng khán giả. Phim điện ảnh đòi hỏi người xem phải chăm chú, tập trung khi thưởng thức, còn với phim truyền hình thì trong lúc làm việc, ngồi uống nước ta cũng có thể xem được. Vì vậy, đây có thể coi là thế mạnh của phim truyền hình.
Bên cạnh đó, những người làm phim truyền hình muốn lôi kéo khán giả đến với mình thì phải đồng hành cùng với họ trong từng tập phim. Bước đầu tiên là phải có câu chuyện tốt, kịch bản tốt. Chỉ khi có cái cốt lõi đó thì mới triển khai việc kể chuyện như thế nào cho hấp dẫn, với diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, cảnh quay đẹp. Đó là nỗ lực của những người làm nghề trong những năm gần đây. Kịch bản phải gần gũi với đời sống. Chúng ta đã trau chuốt phần kịch bản, nâng cao chất lượng nội dung. Đó cũng là lý do công chúng đến với truyền hình ngày càng nhiều hơn.
- Hiện nay, nhiều người vừa làm phim vừa thăm dò ý kiến khán giả và xử lý kịch bản theo sở thích số đông. Anh đánh giá như thế nào về cách làm này?
- Đó là cách làm mới của chúng tôi. Trong thời đại 4.0, sự phản hồi, “va đập” của khán giả đối với phim ảnh rất lớn. Trong điện ảnh, thời cơ vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính thời sự. Nhà biên kịch phải luôn cập nhật thông tin, thậm chí phải có một bộ phận lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả. Tôi nghĩ rằng, mình phải lắng nghe và kéo khán giả đến với sản phẩm điện ảnh truyền hình. Trên một nền tảng nội dung kịch bản, diễn biến của nó sẽ có nhiều tình huống xảy ra. Chúng tôi sẽ tính toán hết các tình huống và “bẻ lái” câu chuyện. Điện ảnh Hàn Quốc rất phát triển và họ đang có một đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp. Với một tác phẩm điện ảnh, người ta biết câu chuyện sẽ đi đến đâu, về đến đâu và tính toán sẽ phải làm những gì. Tức là họ luôn luôn chuẩn bị ở thế chủ động khi xử lý các vấn đề, vì thế, họ được công chúng trong và ngoài nước đón nhận nhiệt tình.
- Có khán giả cho rằng: Từ mỗi bộ phim, họ thường nghĩ và “kết” những cặp đôi của bộ phim ấy. Nhưng khi “kết” một bộ phim rồi thì họ lại khó thích những bộ phim khác, “kết” những cặp đôi khác. Chinh phục tâm lý và thị hiếu công chúng phải chăng là điều rất khó trong lĩnh vực phim truyền hình?
- Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau: “Khán giả yêu phim của mình cũng như yêu một cô gái. Dù lên rừng hay xuống biển thì họ vẫn đi theo mình”. Khi một diễn viên A, B đã lấy được thiện cảm của công chúng thì họ diễn thế nào người xem cũng chấp nhận, bao dung. Với người làm phim cũng vậy, khi mình đã dẫn dắt khán giả, được khán giả yêu mến thì dù mình có đi đâu họ cũng đồng hành với mình. Điều quan trọng là phải tạo ra sự cuốn hút, tò mò ngay từ tập phim đầu tiên.
- Những bộ phim truyền hình thường xoáy sâu vào đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình, tội phạm... Anh có nghĩ rằng đây vẫn là mảnh đất màu mỡ?
- Tôi luôn nghĩ đây vẫn là mảnh đất màu mỡ. Câu chuyện, đề tài ấy không bao giờ cạn. Mỗi đề tài đều có muôn vàn sắc thái, cách kể. Điều quan trọng là làm sao khi kể một lần, hai lần, mười lần, một trăm lần… vẫn khiến người ta phải nghe. Nếu có người nói rằng những đề tài đó cũ, đi vào lối mòn thì anh cũng nên xem lại cách kể chuyện của mình, để sao cho vẫn là những đề tài ấy nhưng có câu chuyện của anh. Ví dụ như với đề tài hình sự, tội phạm, chúng ta có thể khai thác muôn vàn câu chuyện, tình tiết. Đề tài tâm lý gia đình cũng vậy, vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ với hàng trăm câu chuyện về thân phận con người.
- Hiện nay, có nhiều phim được làm theo hướng Việt hóa kịch bản phim nước ngoài. Theo anh, về lâu dài, điều này có làm giảm sức hút của phim truyền hình trong nước?
- Kịch bản được Việt hóa hay kịch bản của chúng ta tự viết thì điều đầu tiên vẫn là nét chân thực từ cuộc sống. Bởi điều đó mới có thể mang đến cho khán giả sự gần gũi. Điều thứ hai là câu chuyện phải hay. Có nhiều kịch bản được Việt hóa rất tốt, mọi người xem đều chấp nhận. Chúng ta trở lại câu chuyện Việt hóa kịch bản phim như thế nào? Nếu là sự lai căng, không còn là mình nữa thì không được. Có thể ở đâu đó, người xem có thể đem ra so sánh nhưng ít nhất cũng cho thấy sự quan tâm, đánh giá của khán giả. Bản thân chúng tôi cũng nhìn nhận mình đã làm được đến đâu, cố gắng như thế nào, có sự thay đổi hay không? Những kịch bản được Việt hóa tốt là khi người xem không nhận ra nó là của nước ngoài, mà "rất Việt Nam". Thực sự, chúng tôi chỉ mượn “cái lõi” của câu chuyện từ nước ngoài, còn nhân vật, bối cảnh, văn hóa... là của Việt Nam. Các nhà biên kịch đã viết lại gần như hoàn toàn câu chuyện. Việt hóa kịch bản phim không phải là dịch sang ngang.
- Thời gian gần đây, mọi người hay nhắc đến việc “xuất khẩu văn hóa từ phim truyền hình” - chìa khóa để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Để làm được điều này, mỗi đạo diễn cũng phải có tiêu chí nghề nghiệp, tâm thế phù hợp?
- Điều trân quý nhất đó là sự đam mê, tình yêu nghề. Tôi nghĩ rằng, khi đã nhận vai trò đạo diễn thì áp lực rất lớn, nhưng phải biến áp lực ấy thành đam mê. Muốn kể câu chuyện một cách mới mẻ nhất, cuốn hút nhất thì anh phải thực lòng. Đó là khi anh cảm được và tự tin kể câu chuyện của mình. Làm phim hay, nói dễ thì rất dễ nhưng khó cũng rất khó, bởi khoảng cách chỉ một sợi tóc nhưng khác nhau cả nền văn hóa. Trong cảm nhận của khán giả thì “hay” và “được” đã hoàn toàn khác nhau. Khi đến với một đứa con tinh thần, nếu anh không trăn trở với nó thì cũng như gió thoảng qua thôi. Làm nghệ thuật, điều quan trọng là phải chạm đến cảm xúc của người xem.
- Khi đã chê, người ta sẽ nghĩ ngay đến những “lối mòn” trong phim truyền hình. Với đạo diễn thì sao, nhiều năm gắn bó với phim truyền hình, anh có cảm thấy lối mòn trong hoạt động làm nghề của mình?
- Nếu bảo không có tức là nói dối. Cùng lúc sản xuất nhiều bộ phim thì chúng tôi phải tìm những cách tiếp cận, giải thích khác nhau. Chúng tôi vẫn luôn cố gắng để mỗi bộ phim có màu sắc khác nhau. Nhưng thực sự là, để thay đổi cũng không dễ. Như chính mình cũng vậy thôi, một gương mặt ấy, nụ cười ấy... nhìn lâu cũng thấy quen. Nếu anh có đẹp đến mấy trong mắt mọi người thì cũng đến lúc người ta cảm thấy bình thường, “đều đều”. Muốn sinh động thì phải cập nhật, luôn tìm tòi để làm mới bản thân, trong cách nghĩ, tư duy. Mình phải làm mới mình để không chán mình. Làm nghề cũng vậy thôi. Nếu anh không thay đổi chính anh thì đương nhiên sẽ đi vào lối mòn. Làm phim cũng giống như tình yêu!
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSND Trọng Trinh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.