Điểm nóng

Đảo chính Niger: "Cơn đau đầu" với phương Tây

Thương Nguyệt 05/08/2023 - 11:22

Theo CNN, vài ngày sau khi Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự, hàng nghìn người ủng hộ đảo chính đã tập trung tại Đại sứ quán Pháp ở thành phố Niamey để gửi thông điệp rõ ràng đến quốc gia này và các đồng minh phương Tây.

Những hình ảnh người biểu tình thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum đã gây chấn động Điện Elysee. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đe dọa sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào công dân Pháp, đồng thời lên án cuộc đảo chính là “hoàn toàn bất hợp pháp và cực kỳ nguy hiểm đối với Niger cũng như toàn khu vực”.

Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cũng lên án cuộc đảo chính. Trong một tuyên bố bằng văn bản kỷ niệm ngày độc lập của Niger, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho người đồng cấp, nhấn mạnh rằng Washington “sát cánh cùng người dân Niger” trong bối cảnh quốc gia này đang gặp phải “những thách thức nghiêm trọng đối với nền dân chủ”.

Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa sẽ can thiệp quân sự nếu Tổng thống Mohamed Bazoum không được khôi phục quyền lực.

Cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum chỉ là diễn biến mới nhất trong một loạt vụ việc tương tự gần đây tại châu Phi. Trong 3 năm vừa qua, 5 quốc gia ở Tây và Trung Phi từng là thuộc địa của Pháp đã chứng kiến những cuộc đảo chính quân sự.

e43kpcxecfjhnk3xo22jgytlz4.jpg
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lật đổ sau cuộc đảo chính cuối tháng 7-2023. Ảnh: Reuters

Cuộc đảo chính ở Niger khiến các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ, mất đi đồng minh chủ chốt trong một khu vực đầy bất ổn. Là quốc gia lớn nhất Tây Phi, Niger được xem là hình mẫu thành công về dân chủ tại Lục địa Đen và là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến Hồi giáo ở khu vực.

Mỹ duy trì khoảng 1.100 binh sĩ Mỹ tại Niger, bao gồm một căn cứ máy bay không người lái hỗ trợ quân đội quốc gia này chống lại lực lượng nổi dậy liên kết với Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và phiến quân Al Qaeda.

Quân đội Pháp cũng duy trì 2 căn cứ thường trực ở vùng Sahel, một trong số đó nằm tại Niamey. Đây là căn cứ chính cho Chiến dịch Barkhane, một sáng kiến ​​chống khủng bố của Pháp nhằm vào các chiến binh trên khắp khu vực Sahel, bao gồm cả Burkina Faso.

daochinhniger.png
Người biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở thành phố Niamey (Niger). Ảnh: Reuters

Số sự kiện bạo lực liên quan đến các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Sahel đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021, theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi (ACSS), cơ quan cố vấn thuộc Lầu Năm Góc (Mỹ).

Niger là quốc gia cung cấp uranium hàng đầu cho Liên minh châu Âu (EU) và sản xuất khoảng 5% nguồn cung khoáng sản toàn cầu, theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA). Dù giàu tài nguyên nhưng Niger vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo chính Niger: "Cơn đau đầu" với phương Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.