(HNM) - Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND (ngày 28-2-2020) về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, Hà Nội từng bước hình thành được lực lượng doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều bất cập, cần được tháo gỡ để "đánh thức" loại hình này phát triển.
Nhiều tiềm năng
Trong những năm qua, Hà Nội đã chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tính đến hết năm 2021, thành phố có 115 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chứng nhận, đứng thứ hai cả nước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong chia sẻ, thời gian qua, Công ty làm chủ công nghệ mới, sản xuất ra những sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao. Với những nỗ lực không ngừng, ngày 27-4-2021, Công ty đã chính thức được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu, 90% doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được chứng nhận đều thực hiện nghiên cứu bằng nguồn vốn của chính mình hoặc nhận chuyển giao từ các tổ chức, cá nhân khác sau đó ươm tạo, làm chủ công nghệ và tự sản xuất dựa trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo. Chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp ươm tạo, phát triển công nghệ từ kết quả khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội là nhỏ hoặc siêu nhỏ. Cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học và công nghệ còn hạn chế do thiếu vốn đầu tư cho phòng thí nghiệm, nhà máy...; không vay được vốn do không có tài sản thế chấp (tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khoa học và công nghệ là tài sản trí tuệ, nhưng không được tổ chức tín dụng chấp thuận làm tài sản thế chấp do không định giá được). Số lượng cơ sở ươm tạo công nghệ và tạo ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn ít, chất lượng hoạt động chưa cao...
“Trong số 115 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội được chứng nhận, thì chưa có doanh nghiệp nào được ươm tạo trong các cơ sở ươm tạo đóng trên địa bàn. Chưa có doanh nghiệp khoa học và công nghệ nào “nảy mầm” từ vườn ươm của các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc cơ sở ươm tạo của Nhà nước”, bà Lê Thanh Hiếu cho biết.
Cũng theo bà Lê Thanh Hiếu, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển, cần sớm được “đánh thức” bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự kết nối với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các viện, trường…
Đồng hành với doanh nghiệp
Để đẩy mạnh việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tháng 11-2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BKHCN (hiệu lực từ ngày 20-1-2022) nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo bà Lê Thanh Hiếu, việc ban hành Thông tư số 10/2021/ TT-BKHCN sẽ tháo gỡ được các vướng mắc trong hoạt động cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Để thúc đẩy, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành và phát triển, thời gian tới, thành phố cần đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở ươm tạo (cả công lập và ngoài công lập) với các giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tại các vườn ươm hiện có.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Đại Phong mong Nhà nước có cơ chế, môi trường và chính sách khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đào tạo, viện nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cũng như đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn và ngược lại, doanh nghiệp là nơi thực hành, thực nghiệm, thực tập, ứng dụng kết quả nghiên cứu của nhà khoa học.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có tối thiểu 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, bên cạnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ đến năm 2025”, Sở đang nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố xem xét, bổ sung một số giải pháp đột phá để tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp tương xứng với tiềm lực khoa học và công nghệ của Thủ đô. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí quỹ đất, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ thuê đất cho doanh nghiệp theo quy định; Quỹ Đầu tư phát triển thành phố hoàn thiện hành lang pháp lý các quỹ đang được thành phố giao quản lý, làm căn cứ triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp cận, vay vốn với lãi suất ưu đãi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.