Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá chất lượng cán bộ chủ chốt qua 2 năm làm việc liên tiếp

Hà Phong| 14/09/2012 15:05

(HNMO) - Ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý, căn cứ vào các yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết TƯ 4, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đề xuất hai phương án về phạm vi những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Một là lấy phiếu tín nhiệm có chọn lọc. Những đồng chí thuộc diện này gồm Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực HDND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND… Hai là lấy phiếu tín nhiệm với toàn bộ những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Cả 2 cách thức cùng có 3 mức độ được xem xét, gồm: tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp.

Nhiều ý kiến đánh giá, uu điểm của phương án đầu tiên là đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, sẽ bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tránh hình thức.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, cần xem xét chất lượng cán bộ chủ chốt qua 2 năm làm việc liên tục, bởi hiệu quả quản lý điều hành cần có thời gian mới thể hiện chính xác. Với những ai không đạt được tỷ lệ tín nhiệm cần thiết (thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm), nên có cơ chế phát huy “văn hóa từ chức” trước khi các vị này được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại QH.

Về mức độ tín nhiệm, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, chỉ nên để ở 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu không tín nhiệm thì sẽ đưa ra QH để bãi miễn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của đại biểu QH, đại biểu HĐND. Bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có nên giữ lại làm việc tiếp nữa hay không. Đề án cần quy định theo hướng lấy phiếu thăm dò rồi mới bỏ phiếu, sau khi có kết quả bỏ phiếu mới bãi miễn cán bộ nếu cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá chất lượng cán bộ chủ chốt qua 2 năm làm việc liên tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.