(HNM) - Gần đây, một số người có ý kiến rằng: không ít cơ quan báo chí đang mất định hướng, lờ đi những vấn đề hệ trọng của đất nước, dân tộc, nền tảng đạo đức, tư tưởng, số phận con người, mà sa vào những điều tầm thường một cách vô cảm, thậm chí độc ác; một số nhà báo làm báo quá dễ dãi hoặc với mục đích trục lợi phe nhóm, họ phán xét như là một cách “đào hố chôn người khác”; ngày càng gia tăng số người đọc thích thú với những thứ rẻ tiền, độc ác đăng trên báo…
Khách quan nhận xét thì ý kiến đó cũng có cơ sở dù trong đó chất bi quan về báo chí nước nhà khá đậm đặc.
Về nguyên tắc, chúng ta phải hiểu rằng, theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí là công cụ tư tưởng của Đảng đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Vì vậy, Đảng lãnh đạo báo chí là nguyên tắc bất di bất dịch trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thực tế cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua đã chứng minh: dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Việt Nam đã có những đóng góp rất to lớn góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sau gần 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, báo chí Việt Nam đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ về lượng và chất, cả về nội dung thông tin và phương pháp hành xử, cả về tiềm lực được tích lũy cũng như khả năng tác động vào đời sống xã hội. Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam ngày nay là hệ quả của sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phát triển đất nước, đồng thời cũng không tách rời sự tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển khoa học - công nghệ của nhân loại.
Toàn cầu hóa, bên cạnh những mặt tích cực, đã và đang dẫn đến những “tổn thương” sâu sắc về văn hóa từ thô bạo đến tinh vi. Các thế lực chính trị dưới tác động của toàn cầu hóa cố tình gây đảo lộn các giá trị xã hội ở các quốc gia qua sự can thiệp tinh vi vào đời sống chính trị với chiêu bài tự do báo chí, tự do tôn giáo, nhân quyền… Tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, thông thường được nhìn thấy ở lĩnh vực kinh tế, nhưng điều lo ngại là song hành với kinh tế là sự “đồng hóa” về văn hóa có tính chất chính trị. Những quan điểm sai trái, đạo đức lệch lạc, suy đồi, lối sống thực dụng, vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân gần như không có biên giới ào ạt tràn vào các quốc gia đang phát triển. Điều đáng quan tâm là toàn cầu hóa mang đến nguy cơ “xâm lược chính trị” thông qua “toàn cầu hóa báo chí” - một vũ khí của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Khi các thế lực chính trị trên thế giới lan truyền thông tin đã bị biến dạng bằng các thủ đoạn nhân danh cái tốt đẹp để xuyên tạc, bóp méo, mang tính phá hoại, lừa đảo người tiếp nhận…, thì tính nghiêm trọng của mặt trái toàn cầu hóa là mất ổn định về chính trị và văn hóa, trong đó có báo chí, đã tăng lên rất đáng lo ngại.
Đối với báo chí Việt Nam, bên cạnh những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, cũng đã bộc lộ những hạn chế, thậm chí tiêu cực cần phải được chấn chỉnh một cách nghiêm túc.
Có thể nói chưa bao giờ trên mặt báo các hiện tượng tiêu cực của xã hội lại dày đặc như hiện nay. Rõ ràng, xem xét một cách công bằng thì dù là phản ánh đúng sự việc tiêu cực nhưng chỉ phản ánh mặt xấu của xã hội không thôi thì về bản chất báo chí đã không khách quan, tính định hướng tư tưởng xã hội của báo chí trở nên rất yếu. Một sự kiện diễn ra, đa số báo chí khai thác ở các khía cạnh giật gân hơn là định hướng tư tưởng xã hội. Do vậy mà có những thông tin gây bất lợi cho sự ổn định xã hội (ở mức độ nào đó vô tình khuyến khích những hành vi, lối sống xa lạ với truyền thống đạo lý của dân tộc), gây bất lợi cho lợi ích quốc gia, nhưng các cơ quan báo chí vẫn đưa lên mặt báo. Và điều nguy hại là chính báo chí, trang mạng của các thế lực chống đối chính trị chẳng cần phải mất nhiều công sức, chỉ cần trích dẫn và coppy những tin, bài viết về tiêu cực của báo chí Nhà nước Việt Nam là đã có “bằng chứng” chống phá chúng ta.
Cơ quan chức năng về quản lý báo chí cách đây chưa lâu đã khẳng định những thành tựu, ưu điểm của báo chí nước ta nhưng cũng “chỉ tên” những yếu kém, khuyết điểm của báo chí thời gian qua. Trên mặt bằng báo chí cả nước còn nhiều sản phẩm chất lượng thấp, chưa kịp thời phát hiện và lý giải những vấn đề lớn do cuộc sống đặt ra. Nhiều tờ báo chưa biểu dương đúng mức những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, cũng như thiếu sự phê phán kịp thời những việc làm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạo đức xã hội. Không ít trường hợp thông tin thiếu chính xác, làm lộ bí mật quốc gia. Khuynh hướng “thương mại hóa” gia tăng (đăng tải những chuyện giật gân, tình dục, bạo lực, mê tín dị đoan). Một số sách, báo, tạp chí, nhất là các số phụ, số chuyên đề xa rời tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ, nhất là đối với công nhân, nông dân. Một số nhà báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thông tin thiếu trung thực, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, nhưng chưa được xử lý kịp thời theo pháp luật. Có trường hợp một số bài báo phủ nhận truyền thống và thành tựu cách mạng, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, làm lộ bí mật quốc gia, coi nhẹ công tác đấu tranh tư tưởng, đấu tranh lý luận, khai thác tin tức, tư liệu, bài vở báo chí nước ngoài thiếu chọn lọc. Có những vụ việc thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây nhiễu thông tin, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đưa tin sai không cải chính hoặc cải chính chiếu lệ làm ảnh hưởng tới uy tín đội ngũ làm báo. Có tình trạng để cho tư nhân chi phối một số hoạt động báo chí - xuất bản. Một số người làm báo, xuất bản bị ảnh hưởng bởi quan niệm không đúng về “tự do” báo chí - xuất bản, về vị trí, chức năng của người làm báo...
Do được thụ hưởng những thành quả khoa học - công nghệ của thế giới, công cụ nghe nhìn ở nước ta phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, lợi dụng công nghệ mới, lợi dụng chính sách tự do ngôn luận của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch, những cá nhân mang tư tưởng hằn thù dân tộc, hằn thù chế độ, đã cho ra đời một loại truyền thông chửi rủa và phi nhân tính - một loại truyền thông mà tư duy về báo chí truyền thống không thể định nghĩa nó được. Việc nở rộ các trang mạng phản động, phi đạo đức trên internet là một ví dụ điển hình về tình trạng lợi dụng công nghệ truyền thông, chính sách tự do ngôn luận để thực hiện ý đồ “diễn biến hòa bình”, phi đạo đức và phi pháp luật. Ban đầu chỉ là nội dung giải trí, nhưng sau đó các trang mạng đã “chính trị hóa”, thô tục hóa, phi đạo đức hóa... Nhiều trang mạng hiện nay có “khuynh hướng” quái gở vì nó bôi nhọ, xuyên tạc chính trị, quy chụp, tục tĩu và phi nhân tính. Tuy nhiên, trước tình trạng nhiễu loạn trang mạng như vậy, các cơ quan báo chí chính thống của Đảng và Nhà nước ta hầu như không có động thái gì để đấu tranh, mà coi như đó là việc của cơ quan nào đó.
*
* *
Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cũng như bối cảnh lịch sử, điều kiện chính trị và sứ mạng lịch sử của báo chí cách mạng cho thấy bản chất của báo chí cách mạng Việt Nam như sau: Báo chí do Đảng thành lập và lãnh đạo; Báo chí là công cụ đấu tranh tư tưởng của Đảng, bảo vệ quan điểm của Đảng, trung thành với lý tưởng của Đảng; Báo chí là diễn đàn của nhân dân, là trung tâm tập hợp quần chúng, là người dẫn đường, định hướng tư tưởng cách mạng cho nhân dân; Báo chí là người bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, đấu tranh vì hạnh phúc ấm no của nhân nhân; Báo chí đưa thông tin chân thực, chính xác, khách quan hướng người đọc đến Chân - Thiện - Mỹ...
Đảng lãnh đạo báo chí Việt Nam là một nguyên tắc tối thượng, tiên quyết. Đảng lãnh đạo báo chí bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác, bằng tuyên truyền thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua các cơ quan nhà nước, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành luật pháp, chính sách đối với báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua các tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí, trong các cấp hội nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí. Đảng lãnh đạo thông qua việc bố trí, đào tạo, quản lý cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí và công tác tổ chức cán bộ báo chí…
Tuy nhiên, sự vận động của cuộc sống trong xu thế toàn cầu hóa đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề rất mới về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới tư duy và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng ở lĩnh vực trọng yếu này.
Bởi vậy, chúng tôi mạnh dạn góp thêm một vài ý kiến mang tính chất tham khảo về việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay:
Về nội dung lãnh đạo của Đảng đối với báo chí: Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối, phương thức lãnh đạo báo chí sát hợp với đặc thù của báo chí và tình hình thực tế vận động liên tục, phong phú hiện nay; Tiếp tục tăng cường nội dung lãnh đạo có tính khoa học cao, có tầm bao quát vừa rộng, vừa sâu, vừa lâu dài; Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng đối với hoạt động báo chí; Đảng chỉ đạo nâng cao vai trò quản lý, chỉ đạo của cơ quan chủ quản báo chí; Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; Cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải công khai, minh bạch, chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin và định hướng thông tin...
Về vấn đề xây dựng, hoàn thiện pháp luật và các chính sách đối với báo chí: Tăng cường vai trò của pháp luật tức là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước; Sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với hoạt động báo chí trong bối cảnh mới; Củng cố, bổ sung cơ chế để tăng cường giám sát xã hội đối với báo chí; Đảng và Nhà nước định hướng chính sách xây dựng quy hoạch và phát triển lâu dài hệ thống báo chí tiên tiến, mạnh về đội ngũ, tài chính, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu thông tin trong các tình huống phức tạp nhất; Tiếp tục đầu tư xây dựng một số đơn vị báo chí có vị thế đầu đàn, đủ năng lực cung cấp thông tin cho các tầng lớp nhân dân, giữ vai trò chi phối dư luận xã hội, giữ nhịp cho cả hệ thống báo chí, vươn ra thế giới, chủ động thông tin về những diễn biến kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới; Bổ sung và hoàn thiện chính sách khuyến khích theo hướng phải bảo đảm được sự tự chủ, chủ động sáng tạo của báo chí.
Về vấn đề tổ chức, nhân sự: Tiếp tục kiện toàn bộ máy và tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị của cán bộ quản lý báo chí; Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; Nâng cao chất lượng người làm báo theo tiêu chí vừa hồng vừa chuyên, xây dựng chuẩn hóa đội ngũ phóng viên, biên tập viên; Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị và phát triển Đảng tại cơ quan báo chí cũng như cơ sở đào tạo báo chí; Chọn lọc kỹ và nâng cao vai trò của người lãnh đạo cơ quan báo chí...
Về đổi mới hoạt động của các cơ quan báo chí: Báo chí phải tuân thủ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng (đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và đồng thời là lợi ích, là phẩm chất chính trị của cơ quan báo chí và người làm báo của Đảng - ý thức này phải được thực hiện với nguyên tắc tối thượng, nhất quán); Cơ quan báo chí cần phải nâng cao tính định hướng tư tưởng xã hội, phải trở thành cơ quan đi đầu về thông tin chính trị, định hướng dư luận xã hội tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và tiến trình phát triển đất nước; Cơ quan báo chí phải năng động trong hoạt động kinh tế báo chí nhưng đúng quy định của pháp luật...
Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay là một đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trước hết là bằng quan điểm, đường lối, thể hiện qua các nghị quyết, chỉ thị và qua sự quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo báo chí là nhằm nắm vững và sử dụng công cụ tư tưởng của mình, đồng thời bảo đảm quyền sáng tạo của báo chí, giúp báo chí hoàn thành chức năng cao cả của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí mới có quyền lực chính trị và quyền lực xã hội mạnh mẽ. Quyền lực đó của báo chí nằm trong sự quy định của pháp luật. Quyền lực đó bảo đảm để báo chí luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đấu tranh kiên quyết với các hành vi, thủ đoạn chống đối chế độ; Bảo đảm phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.