(HNMO) - Ngày 15-5, tại Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long (Khu Công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động".
Tham gia chương trình đối thoại, giao lưu có sự góp mặt của các chuyên gia: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội); Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga.
Đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho thấy, với sự giám sát, đôn đốc của tổ chức Công đoàn, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ chính sách đối với công nhân viên. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp hoặc là do cố tình, hoặc do chưa hiểu biết cặn kẽ, chưa nắm rõ, cập nhật kịp thời những sửa đổi, bổ sung trong quy định của pháp luật dẫn đến việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động chưa đầy đủ, quyền lợi người lao động còn bị vi phạm.
Giải đáp câu hỏi của người lao động về quyền lợi khi sử dụng văn cước công dân gắn chíp và quét mã QR, chuyên gia Dương Thị Minh Châu thông tin, một trong những ưu điểm lớn của căn cước công dân gắn chíp được đánh giá cao đó là thẻ có thể tích hợp được nhiều loại thông tin cá nhân như: Giấy phép lái xe; thẻ bảo hiểm y tế; sổ bảo hiểm xã hội; sổ hộ khẩu; tạm trú tạm vắng... Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đang tích cực phối hợp với cơ quan liên quan để đồng bộ dữ liệu bảo hiểm với căn cước công dân và khi người dân đi khám bệnh chỉ cần trình căn cước công dân gắn chíp là sẽ được hưởng bảo hiểm y tế mà không cần phải trình thẻ bảo hiểm y tế.
Về nội dung trên, luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung, nhờ việc tích hợp được nhiều loại giấy tờ, căn cước công dân gắn chíp trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì việc phải làm và mang theo rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp để thực hiện mọi giao dịch.
Ví dụ trước đây, giao dịch về nhà đất người dân sẽ phải trình chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn... nhưng sau khi có căn cước công dân gắn chíp thì chỉ cần trình thẻ này là đủ. Dự kiến từ đầu năm 2023, sẽ không còn sổ hộ khẩu giấy nữa mà việc quản lý dân cư sẽ chuyển hết sang điện tử, và căn cước công dân gắn chíp tích hợp các thông tin này.
Một điều nữa là việc sử dụng căn cước công dân gắp chíp có tính bảo mật rất cao bởi khi đề xuất sử dụng căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án bảo đảm tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp. Phương án bảo mật này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội, vì vậy chúng ta không phải lo lắng bị lộ thông tin cá nhân nếu vô tình làm mất căn cước công dân gắn chíp.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ trong các ngành nghề độc hại, bà Dương Thị Minh Châu cho biết người lao động được nghỉ sớm trước 5 năm. Tuy nhiên, cần lưu ý, khi kê khai thì nên nêu đầy đủ các thông tin liên quan để cơ quan bảo hiểm xã hội có đủ căn cứ để giải quyết các chế độ chính sách liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.