(HNMO) – Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 26/1, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học “Đảng Cộng sản Việt Nam - 80 năm xây dựng và phát triển”.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng đông đảo các nhà khoa học. Đã có gần 90 tham luận gửi về tham gia Hội thảo, trong đó có tham luận của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười về “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Thành tựu và kinh nghiệm”; ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương với tham luận “Giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của Đảng trong tình hình mới”; Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với tham luận “Mối quan hệ giữa giữ vững độc lập tự chủ và đẩy mạnh hội nhập quốc tế”… Đây là dịp để nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Trong báo cáo đề dẫn, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, giá trị bước ngoặt của sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam. Từ thời điểm đó, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính với cương lĩnh, đường lối đúng đắn. Sự kiện Đảng Cộng sản ra đời khẳng định sự phát triển và trưởng thành của phong trào công nhân và cho thấy giai cấp công nhân Việt Nam đã đủ sức lãnh đạo cách mạng thông qua đội quân tiên phong của mình và tạo tiền đề cho thắng lợi của cách mạng trong những năm tiếp theo.
80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân và dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tiếp đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc khi còn chiến tranh và những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi khảo nghiệm thực tiễn và tổng kết sáng tạo của nhân dân, Đảng đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới và đã giành được những thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam 80 năm qua là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, là sự hy sinh, phấn đấu bền bỉ của toàn dân với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà hạt nhân là liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Dựa trên học thuyết cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác –Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, Đảng đã đề ra và không ngừng phát triển hoàn chỉnh cương lĩnh, đường lối, dẫn dắt cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam 80 năm qua đã chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã rút ra được những bài học lớn có giá trị lý luận và thực tiễn: bài học về giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về đại đoàn kết toàn dân tộc; về phương pháp cách mạng đúng đắn; về đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...
Với nhận thức đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, tập trung làm rõ và sâu sắc hơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cộng sản tiền bối, làm rõ hơn những giá trị mang tính bước ngoặt lịch sử của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và nêu bật những thành công, thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, các đại biểu cũng đề cao vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cách mạng; thấy hết những nguyên nhân và động lực dẫn tới thành công trong quá khứ để tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước hiện tại và trong tương lai.
Từ những thành công và kinh nghiệm, bài học của 80 năm qua, các đại biểu cũng đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay đối với sự phát triển của đất nước, góp phần vào việc bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng sắp tới. Nhiều vấn đề bức thiết về lý luận và thực tiễn hiện nay đã được các đại biểu đặt ra như: làm rõ hơn những điều kiện bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế và nhiều hình thức sở hữu; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; làm sâu sắc những vấn đề về phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng con người mới; chính sách đối ngoại mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác…
Bên cạnh việc nêu bật yêu cầu và nội dung tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, các đại biểu cũng phân tích sâu sắc những mặt yếu kém trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng,lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng; Nhiều tổ chức cơ sở Đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh; Công tác tư tưởng còn thiếu tính thuyết phục; Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới; Công tác tổ chức cán bộ còn nhiều mặt yếu kém; Chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao. Từ đó, các đại biểu đã có kiến nghị những biện pháp khắc phục nhằm góp phần làm cho Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn sứ mệnh lịch sử lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tại hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đã điểm lại những nội dung chủ yếu trong các bản Cương lĩnh chính trị của Đảng từ năm 1930 đến nay và nhận định: “Mỗi bản Cương lĩnh tuy có yêu cầu cụ thể, phản ánh tình hình và phục vụ nhiệm vụ của cách mạng ở mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, các bản Cương lĩnh đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm cơ bản, tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương hướng và phương pháp của cách mạng Việt Nam”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mỗi bản Cương lĩnh chính trị của Đảng, ở những mức độ khác nhau, đều được xây dựng trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tinh hoa văn hóa dân tộc, phản ánh đúng thực tiễn Việt Nam và có tham khảo kinh nghiệm của thế giới.
Chính vì vậy, nó vừa có tính lý luận khoa học vừa có tính thực tiễn sâu sắc, kết hợp tính giai cấp và tính dân tộc, đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của cách mạng ở mỗi giai đoạn và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân. Mỗi cương lĩnh của Đảng đều có ý nghĩa lịch sử trọng đại và giá trị chỉ đạo thực tiễn to lớn, định hướng cho sự phát triển của đất nước và chỉ đường cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.