(HNM) - Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Thế kỷ bị mất" của nhà văn xứ Quảng Phạm Ngọc Cảnh Nam là tác phẩm được BCH Hội Nhà văn Việt Nam tặng Bằng khen. Mặc dù, cá nhân tác giả đã có lời từ chối, song ở đây, Hànộimới chỉ đề cập tới những câu chuyện xung quanh tác phẩm văn học về đề tài lịch sử rất đáng đọc này. Đó là một câu chuyện "gần như đầu tiên kể về phong trào Duy Tân đất Quảng"...
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam. |
- Thưa nhà văn, vì sao ông lại có ý tưởng viết về phong trào Duy Tân đất Quảng, và cuốn tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất" đã được hoàn thành trong bao lâu ?
- Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dân tộc ta đã phải đứng trước nhiều ngã rẽ, nhiều hầm bẫy hiểm nghèo của lịch sử. Phong trào Duy Tân đất Quảng ra đời như một nỗ lực đưa đất nước thoát ra khỏi bối cảnh nguy hiểm đó. Những nan đề do các lãnh tụ Duy Tân đưa ra một trăm năm trước, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng bỏng. Cho nên viết về đề tài này luôn là một thôi thúc khôn nguôi đối với tôi, một người vốn sinh ra và trưởng thành trong cái nôi của phong trào đó.
Đối với người dân Quảng Nam chúng tôi, hình ảnh các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện... đã trở nên quá thân quen. Những câu hò, vè, bài ca về cúp tóc, xin xâu, về thuế nặng... được rất nhiều người thuộc lòng và lưu truyền từ ấy đến nay. Tuy vậy, khi bắt tay vào viết, mọi việc không hề dễ dàng. Trước hết là tư liệu nghèo nàn. Sau đó là những điều tiếng bắt nguồn từ những đánh giá chưa đúng của quan điểm chính thống trước đây về các nhân vật lịch sử. Giải quyết những vấn đề đó để hoàn thành tác phẩm, tôi đã mất đúng năm năm.
- Tác phẩm đã tái hiện sống động một giai đoạn lịch sử của xứ Quảng, cũng như của đất nước ta. Ngoài ký ức về quê hương mình, hẳn ông cũng mất nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu để phục vụ cho cuốn tiểu thuyết này?
- Tôi rất biết ơn nhà văn, nhà biên khảo quá cố Nguyễn Văn Xuân đã để lại cho hậu thế một công trình biên khảo tuyệt hảo là "Phong trào Duy Tân" ra đời đến nay đã ngót nửa thế kỷ. Có thể nói nếu không có cuốn sách này thì chưa chắc hậu thế chúng ta biết được đã từng có một phong trào lịch sử chói lọi như thế trên dải đất miền Trung khốn khó này.
Trong mấy năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, xuất bản những tập kỷ yếu về các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện... cũng là để cố gắng bù đắp vào chỗ thiếu sót đó. Và mới đây, bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại của Phan Châu Trinh đã cho công bố nhiều tư liệu quý về cụ.
Hàng chục chuyến đi điền dã về hầu hết các vùng thôn quê Quảng Nam, những chuyến đi tìm xác chiếc ghe bầu bị chôn vùi sâu dưới đáy sông gần Cửa Đại Hội An và sau đó đã được trục vớt lên... Nói chung là phải đi rất nhiều mới có đủ tư liệu để viết.
- Dễ thấy, ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh... thấm đẫm văn hóa xứ Quảng. Ông có cho rằng đó vừa là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn song cũng lại khiến người đọc khó tiếp nhận tác phẩm hơn?
- Đúng như thế! Người ta cho đó là bản sắc. Và tôi nghĩ bất cứ tác phẩm nào viết về lịch sử đều cần phải đạt yêu cầu ngặt nghèo đó. Tôi không thể viết về Quảng Nam với ngôn ngữ, giọng điệu của người miền Bắc, hoặc miền Nam chẳng hạn.
Tôi chỉ mong bạn đọc hãy thử một lần, nhảy xuống tắm trong một cái ao của người anh em ruột thịt nầy. Và tôi tin rằng sẽ có không ít những điều thú vị dành cho các bạn.
- Đây có phải là lý do khiến ông bỏ công làm phần chú thích ở cuối cuốn sách?
- Nếu không chú thích, bạn đọc sẽ khó nắm bắt những điều đã đề cập trong tác phẩm. Tất nhiên đây chỉ là một cố gắng chẳng đặng đừng vậy thôi. Và tôi cũng đã giãn lượt bớt những chỗ cần chú thích để bớt phiền hà cho bạn đọc. Ví dụ những câu chữ Hán chẳng hạn, chắc bạn cũng thấy rồi!
- Trong tác phẩm này, nhân vật nào ám ảnh ông nhất, khiến ông mất nhiều công xây dựng nhất?
- Câu hỏi nầy hay, và khó trả lời. Vì tác phẩm ẩn chứa nhiều tuyến nhân vật, khi nổi khi chìm. Nếu viết không khéo sẽ dễ đẩy người đọc ra khỏi tác phẩm của mình, và họ sẽ bỏ không đọc nữa.
Phan Châu Trinh tất nhiên là nhân vật xương sống của tác phẩm. Nhưng ông lại là nhân vật xuất hiện ít hơn so với nhân vật Cả Hinh. Tôi đã bỏ nhiều công sức xây dựng nhân vật Phan Châu Trinh, theo cách của tôi, tất nhiên! (Vì cũng có người cho rằng nhân vật Phan Châu Trinh chưa được đậm nét, theo cách nghĩ của họ!!!). Tuy nhân vật Phan Châu Trinh không xuất hiện ở tất cả các chương, nhưng dầu ở đâu, bạn đọc tinh ý hẳn sẽ nhận ra ông vẫn đang có mặt, và đứng nấp trong cánh gà để cầm chịch diễn xuất cho các nhân vật khác. Tức là ông đang ở sau hậu trường.
Tuy nhiên, nhân vật ám ảnh tôi nhiều nhất lại là cái cô Lụa. Và tôi thật sự phải lòng cô ta bởi cái cách cô ta đã sống, đã yêu, đã hy sinh và đã thất vọng...
- Ông có thường xuyên đọc tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam không? Theo ông mảng văn học về đề tài lịch sử của ta hiện nay đang ở mức nào?
- Mảng tiểu thuyết lịch sử của ta hiện vẫn còn mờ nhạt lắm. Một số tác giả tôi thích như Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo... Song vẫn chưa phải được như ý! Tôi không có điều kiện đọc được nhiều các tiểu thuyết lịch sử đã xuất bản, trong đó cũng có phần do những tác phẩm nầy chưa đủ sức cuốn hút.
- Tới đây, ông có dự định viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử nữa?
- Tôi vẫn đang tiếp tục làm việc, và vẫn xới vào những vấn đề lịch sử. Đối với tôi, đây chính là mảng đề tài đáng cho chúng ta bỏ công sức cả đời vào để thực hiện nó.
- Xin chân thành cảm ơn nhà văn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.