Dân số giảm ở tất cả các địa phương lần đầu tiên trong lịch sử đã khiến Nhật Bản đối mặt với một thực tế nhiều rủi ro chưa từng thấy, không chỉ đối với mục tiêu bảo đảm nguồn lực lao động trong tương lai mà cả phương diện cân bằng xã hội thời hiện tại.
Khảo sát dân số do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố ngày 26-7, dựa trên thông tin đăng ký thường trú cơ bản của chính quyền các địa phương cho thấy, dân số Nhật Bản tính đến ngày 1-1-2023 là 125.416.877 người. Trong đó, người Nhật là 122.423.038 người, giảm 800.523 người so với năm 2022, là biên độ giảm dân số lớn nhất kể từ năm 1968. Đây là lần giảm liên tiếp trong 14 năm kể từ khi dân số Nhật Bản đạt mức cao nhất 127.076.183 người hồi năm 2009.
Vùng thủ đô (gồm Tokyo, Saitama, Kanagawa, Chiba), vốn là điểm đến của người Nhật, cũng giảm 0,2%, xuống chỉ còn 35.537.661 người. Dân số Okinawa, tỉnh có tỷ lệ sinh cao nhất, cũng giảm. Thực tế này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản ghi nhận giảm dân số ở tất cả các địa phương.
Việc dân số Nhật Bản suy giảm có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính yếu là tỷ lệ sinh hiện tại ở Nhật Bản là 1,34 - thấp hơn nhiều so với mức 2,07 cần thiết để giữ dân số ổn định. Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ghi nhận độ tuổi trung bình của các bà mẹ sinh con đầu lòng ở nước này đã tăng lên ngưỡng 30,9 vào năm 2021 - mức cao nhất kể từ khi dữ liệu thống kê đầu tiên được ghi nhận vào năm 1950.
Điều này có nghĩa là, nếu không có thay đổi nào, dân số đảo quốc Mặt trời mọc có thể giảm xuống chỉ còn 88 triệu người vào năm 2065. Tuy nhiên, thay đổi điều này là thách thức không nhỏ khi Nhật Bản hiện là quốc gia đắt đỏ thứ ba thế giới, nếu tính tới chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó, nỗi lo mất sự nghiệp lớn hơn nhu cầu có gia đình, tiếp tục khiến giới trẻ Nhật Bản không mặn mà với việc sinh con.
Việc dân số suy giảm kết hợp với già hóa đang đặt ra những thách thức lớn với Nhật Bản. Đơn cử, sự kết hợp mất cân đối giữa việc ngày càng nhiều người già, ngày càng ít người trẻ đã và đang làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống ở Nhật Bản.
Theo khảo sát lần này, dân số trên 65 tuổi tại Nhật Bản chiếm tới 29,15%, đứng đầu trong số các nền kinh tế lớn. Dân số dưới 15 tuổi đang có chiều hướng giảm dần đặt ra vấn đề cấp bách về việc bảo đảm nguồn lao động cho tương lai.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đưa ra dự báo Nhật Bản cần số lượng lao động nước ngoài vào khoảng 6,74 triệu người mới có thể đạt được kịch bản tăng trưởng của Chính phủ nước này vào năm 2040.
Hiện nay, Nhật Bản đang ra sức giải quyết bài toán khó về dân số. Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố, lúc này chính là thời điểm có tính quyết định để giải quyết tình trạng suy giảm dân số của quốc gia, và ngăn chặn giảm tỷ lệ sinh được đặt lên ưu tiên hàng đầu, thậm chí áp dụng những đối sách “chưa từng có tiền lệ”.
Thực tế, dù nợ công còn cao, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn lên kế hoạch chi 3.500 tỷ yên (25 tỷ USD) mỗi năm cho chăm sóc trẻ em và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ các bậc cha mẹ; đồng thời khuyến khích người dân chuyển về sống ở các khu vực ngoài thủ đô Tokyo nhằm hồi sinh các cộng đồng địa phương.
Để giải quyết nguồn lao động trước mắt, Nhật Bản năm 2023 cũng đã nới lỏng điều kiện cấp phép cư trú cho người nước ngoài có tay nghề cao. Đây là nguyên nhân khiến khảo sát lần này ghi nhận số lượng người nước ngoài có thẻ cư trú tại Nhật Bản đã tăng thêm 289.498 người lên mức 2.993.839 người, là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2013.
Xét theo đơn vị thành phố, thì có tới 1.499/1.747 thành phố ghi nhận số lượng người nước ngoài tăng, chiếm khoảng 85,8%. Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản dự báo, số người nước ngoài sẽ chiếm khoảng 10,2% tổng dân số vào năm 2067 và sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Nhìn chung, đảo ngược xu hướng dân số tiếp tục là vấn đề cấp bách với Nhật Bản. Tuy nhiên, bên cạnh các gói hỗ trợ đang tập trung chủ yếu về tài chính, Chính phủ nước này rõ ràng cần có thêm nhiều biện pháp mang tính hệ thống để giải quyết vấn đề chăm sóc trẻ em, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ mang thai…, qua đó mới có thể hóa giải các thách thức về nhân khẩu học của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.