(HNM) - Sau hơn 1 tháng ra quân triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo và thực hiện rất quyết liệt các giải pháp.
Trên địa bàn huyện Đan Phượng có nhiều tuyến đường lớn chạy qua như: Quốc lộ 32, tỉnh lộ 417, 422, đê hữu Hồng…, đa số các tuyến đường đều không có vỉa hè. Nhiều hộ dân ở ven đường mở cửa hàng kinh doanh đã cơi nới mái che, mái vẩy, cắm ô bán hàng... gây mất mỹ quan đô thị và ùn tắc giao thông. Qua thống kê, trên địa bàn huyện có gần 2.000 hộ kinh doanh vi phạm, tái vi phạm...
Triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197, UBND huyện Đan Phượng đã thành lập Ban Chỉ đạo 197, xây dựng Kế hoạch số 43, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai có hiệu quả từ cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết đến từng hộ dân. Chủ tịch UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh việc lập lại trật tự an toàn giao thông, đô thị là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017... Để tăng cường chỉ đạo, Huyện ủy Đan Phượng ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đô thị, lòng đường, hè phố. Sau khi xử lý vi phạm, các đoạn đường, tuyến phố được bàn giao cho các cụm dân cư tự quản.
Sau hơn 1 tháng ra quân, trên địa bàn huyện Đan Phượng đã đạt những kết quả khả quan: Xử lý 439 trường hợp vi phạm; UBND huyện phối hợp với các xã, thị trấn kẻ vạch sơn hè phố; phát quang cắt tỉa 175 cây xanh; vận động các hộ kinh doanh tự phát phá dỡ 793 bục bệ, 114 lều, bạt, mái che, mái vẩy; di dời 92 hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tự thu dọn gần 2.000m3 gỗ, 1.000 tấm cốp pha sắt; giải tỏa 9 chợ cóc họp không đúng vị trí...
Trưởng Công an thị trấn Phùng Hoàng Văn Thái cho biết, do là trung tâm của huyện, người dân buôn bán đông, nhiều hộ bày bán tràn ra hè phố, đặc biệt là các tuyến: Sơn Tây, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học. Để ổn định, lực lượng chức năng đã sắp xếp cho người dân buôn bán đúng nơi quy định. Qua rà soát, trên địa bàn thị trấn có 523 hộ vi phạm, đến nay, tất cả đều tự giác tháo dỡ.
Tuy vậy, Đan Phượng vẫn chưa thực sự hết khó khăn. Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Tuấn Khởi cho biết, do lực lượng Công an huyện “mỏng” nên không “rải” được nhiều nơi; lực lượng chuyên trách về công tác trật tự công cộng của huyện ít (9 đồng chí/16 xã, thị trấn). Đối với công an xã viên, do chế độ phụ cấp thấp (800 nghìn đồng/người/ tháng) nên nhiều nơi không thu hút đủ lực lượng; lại chịu nhiều tác động của gia đình, hàng xóm, họ hàng nên có lúc, có nơi xử lý chưa kiên quyết. Vẫn còn tình trạng người dân đối phó với lực lượng chức năng để tái lấn chiếm…
Để rốt ráo xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo 197 của huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, gắn trách nhiệm với người đứng đầu, coi đây là cơ sở để bình xét thi đua... Đến nay, nhận thức của nhân dân trên địa bàn đã nâng cao, chủ động tham gia, thậm chí coi như trách nhiệm công dân trong thực hiện bảo vệ môi trường, giao thông...
“Điểm nóng” lấn chiếm hè, đường Bùi Tuấn |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.