Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đan Phượng - Đất anh hùng

Bạch Thanh| 02/09/2012 07:36

(HNM) - Đan Phượng, mảnh đất giàu truyền thống, là cái nôi của nhiều phong trào. Nơi có những

Huyện xanh - sạch nhất ngoại thành

Chúng tôi đến xã Tân Hội (Đan Phượng) khi cờ Tổ quốc bay rực rỡ trên những nóc nhà cao tầng kiểu mới, xóm làng mang dáng phố phường khang trang với đủ loại cửa hàng, cửa hiệu minh chứng cho sự phồn thịnh của mảnh đất này… Chủ tịch xã Nguyễn Thị Phương Ly cho biết, người dân Tân Hội đã vươn ra nước ngoài làm ăn từ nhiều năm nay và đã có mặt ở 17 nước trên thế giới với hơn 500 người. Hạ tầng phát triển, đất đai ở đây đắt ngang với nhiều quận nội thành. Dù đất chật, người đông nhưng người dân nơi đây đã tự nguyện cùng nhau xây dựng quy ước làng để các hộ không lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh chung… Hàng trăm cây xanh đã được trồng mới phủ màu xanh lên làng quê trù phú.

Đan Phượng đã quy hoạch và đầu tư 30 tỷ đồng để tu bổ, kè 108 hồ, ao.


Không chỉ các xã giàu, những xã còn nghèo, kinh tế còn khó khăn như Trung Châu cũng thay da đổi thịt với phong trào huy động sức dân làm đường giao thông, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Và Đan Phượng đã trở thành huyện đi đầu trong phong trào chỉnh trang giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Sự khởi sắc đó là kết quả của sự đồng sức đồng lòng của người dân trong huyện. Trong khi ở nhiều địa phương, ao hồ bị san lấp thì Đan Phượng đã quy hoạch và đầu tư 30 tỷ đồng để tu bổ, kè 108 hồ, ao với diện tích hơn 37ha; xây dựng 29 bãi trung chuyển rác thải với kinh phí 12 tỷ đồng để tạo cảnh quan môi trường. Để khơi gợi sức dân, bên cạnh việc ban hành chỉ thị về xây dựng, nâng cấp đường làng ngõ xóm, huyện Đan Phượng còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ 29% kinh phí nên đã được nhân dân các xã đồng loạt hưởng ứng. Từ đầu năm 2012 đến nay, các địa phương đã xây dựng, nâng cấp được 27.648m đường làng với tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng; xây dựng 40.694m đường mới với kinh phí gần 20 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân.

Đổi mới để phát triển

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đinh Hữu Hạnh tự hào cho biết: Trước đây, Đan Phượng được quy hoạch là vùng sản xuất lúa, năm 2000, giá trị nông nghiệp chiếm 60% cơ cấu kinh tế, nhưng từ thời kỳ ấy, Đan Phượng đã là huyện đi đầu của Hà Tây (cũ) trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, dồn điền đổi thửa với nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Đan Phượng cũng là huyện đầu tiên của cả nước xây dựng hầm ủ khí bioga và giờ đây đã có tới 6.150 hầm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác, từ năm 2005 đến 2011, huyện đã đầu tư hơn 8.103 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển 484ha trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trang trại. Nhiều dự án, mô hình có giá trị như 10 dự án trồng bưởi Diễn ở 9 xã, với diện tích 339,9ha; mô hình chăn nuôi quy mô lớn như trang trại nuôi lợn, nhím, ba ba, cá sấu... Do vậy, giá trị sản xuất một hécta đất canh tác tăng đột biến (năm 2002 đạt 28,6 triệu đồng, đến năm 2011 đã đạt 101 triệu đồng/ha).

Cùng với phát triển sản xuất, huyện tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là đường giao thông để nâng cao giá trị đất đai. Nếu năm 2002 tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này khoảng 20 tỷ đồng thì năm 2011 đã tăng lên 1.330 tỷ đồng. Huyện đã nâng cấp và xây mới 39 trường học, 11 trạm y tế... Ðến nay đã xây dựng, nâng cấp 50km đường liên xã; hơn 77km đường liên thôn, 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa. 100% số trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non được xây cao tầng, khang trang. Đan Phượng có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất thành phố với 30/55 trường học. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã thực hiện GPMB 151 dự án với diện tích hơn 300ha của gần 5.700 hộ dân nhưng Đan Phượng không phải cưỡng chế, không có đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp. Chủ tịch UBND huyện Đinh Hữu Hạnh tâm đắc: Với cách làm công khai, dân chủ, đúng quy trình và đặc biệt là đối thoại trực tiếp với dân để có sự đồng thuận cao, Đan Phượng đã hoàn thành việc xây dựng cụm công nghiệp thị trấn Phùng và 4 điểm công nghiệp làng nghề ở các xã Ðồng Tháp, Ðan Phượng, Liên Hà, Tân Hội với diện tích 77,8ha, thu hút 54 doanh nghiệp và 456 hộ vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ, năm 2002, giá trị nông nghiệp chiếm trên 40% cơ cấu kinh tế thì nay chỉ còn 13,9%, CN xây dựng - TTCN - dịch vụ đã chiếm trên 80%, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, với thu nhập đạt 16,8 triệu đồng/năm, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2002.

Thành quả của Ðan Phượng hôm nay bắt nguồn từ sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả; đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, tạo được sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng - Đất anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.