Từ ngày 27 đến 29-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã làm trung gian cho cuộc hòa đàm giữa Armenia và Azerbaijan trong một nỗ lực mới nhất của Washington nhằm dập tắt cuộc xung đột đã nhiều lần bùng phát.
Đây là vòng đàm phán thứ hai mà nhà ngoại giao Mỹ chủ trì trong nhiều tháng qua. Với thiện chí mà các bên thể hiện, Armenia và Azerbaijan đang đứng trước cơ hội ký thỏa thuận hòa bình vào cuối năm nay.
Cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov và người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan diễn ra trên tinh thần xây dựng.
Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, thực tế diễn ra gần đây cho thấy sự cần thiết phải có một nền hòa bình lâu dài và nghiêm túc. Đối thoại trực tiếp là chìa khóa để giải quyết triệt để các mâu thuẫn một cách bền vững; Mỹ cam kết hỗ trợ các bên đạt được điều này. Còn Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan khẳng định, tiến trình đàm phán đang được thực hiện một cách hết sức tích cực. Nếu hai bên có thể duy trì được cường độ này và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế để đạt được tiến triển, cơ hội có hiệp ước hòa bình vào cuối năm nay hoàn toàn có cơ sở.
Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng 120.000 người sinh sống tại đây chủ yếu là người Armenia và đã tách khỏi Baku trong một cuộc chiến vào đầu những năm 1990. Suốt 3 thập kỷ qua, các cuộc đàm phán do quốc tế làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan về lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh đạt được rất ít kết quả. Hầu hết những gì đã đạt được chỉ là các lệnh ngừng bắn sau những đợt bùng phát xung đột. Mỗi thỏa thuận ngừng bắn được thông báo chỉ tạm vơi đi nỗi lo bạo lực. Gốc rễ xung đột chưa được giải quyết thì bất kỳ một cam kết đình chiến nào cũng trở nên mong manh, đặc biệt khi Nagorno-Karabakh có ý nghĩa sống còn đối với cả Azerbaijan và Armenia.
Tín hiệu tích cực xuất hiện sau khi Chính phủ của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan từng bước thay đổi lập trường, chấp nhận đàm phán theo hướng công nhận ranh giới lãnh thổ của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh vào năm 2020 - điều mà những người tiền nhiệm của ông luôn tìm cách tránh.
Theo thỏa thuận được các bên ký kết, Armenia trả lại cho Azerbaijan vùng Aghdam, vùng Kelbajar và vùng Lachin. Hành lang Lachin (rộng 5km) nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Dự kiến, đến cuối năm nay, một tuyến đường mới dọc theo hành lang Lachin sẽ được xác định, cung cấp thông tin liên lạc giữa Nagorno-Karabakh và Armenia. Sự thay đổi cách tiếp cận của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan mang đến một cơ hội mới cho hòa bình.
Hiện tại, dưới sự thúc giục của các bên trung gian như Nga, Liên minh châu Âu (EU), hai nước đang thảo luận các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Nagorno-Karabakh sau khi Azerbaijan phong tỏa hành lang Lachin. Đây là tuyến đường duy nhất nối Armenia với Nagorno-Karabakh. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng nhắc lại tuyên bố của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) thuộc Liên hợp quốc đưa ra ngày 22-2 yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa tuyến đường nói trên khi cho rằng, người dân ở khu vực này sẽ có nguy cơ phải gánh chịu “tổn thất không thể bù đắp được”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết thỏa đáng các vấn đề về quyền và an ninh của người dân Nagorno-Karabakh.
Đề cập đến hành động gây hấn gần đây nhất của Azerbaijan dẫn đến 4 thương vong của lực lượng Phòng vệ Nagorno-Karabakh, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan cho rằng, những vụ việc như vậy nhằm mục đích làm xáo trộn các nỗ lực trong quá trình đàm phán và nhấn mạnh tính cấp thiết phải loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan nhấn mạnh, Azerbaijan đã thực hiện hành động này song song với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nagorno-Karabakh do phong tỏa bất hợp pháp hành lang Lachin, cố ý làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt và điện cho Nagorno-Karabakh, nhằm mục đích thanh trừng sắc tộc. Yerevan đang tìm kiếm một "cơ chế quốc tế" để đạt được sự bảo đảm các quyền và an ninh của cộng đồng người Armenia tại khu vực này khi thỏa thuận được ký kết.
Nga, Mỹ và EU đều đang cố gắng thúc đẩy mục tiêu xây dựng nền hòa bình lâu dài giữa Armenia và nước láng giềng Azerbaijan, kết thúc vòng xoáy của cuộc chiến. Việc hai nước kiên trì các cuộc đàm phán cấp cao cùng nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo cho thấy thiện chí tháo gỡ những bất đồng nhằm đi đến cái đích chung để đưa cuộc chiến đau thương Nagorno-Karabakh thành quá khứ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.