Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đậm chính sử, giàu hiện thực

Yên Nga| 05/09/2010 07:59

(HNM) - Sau một tháng khẩn trương, miệt mài dàn dựng và luyện tập, vở kịch đầu tiên do Nhà hát Kịch nói Quân đội thực hiện -

Cảnh trong vở “Dời đô”. Ảnh: Hương Thu


Dời đô - quyết định khó khăn
"Dời đô" đưa khán giả như trở về thời điểm 1000 năm trước, giây phút xúc động của đất trời và con người khi chứng kiến một bậc đế vương vừa chào đời - vua Lý Công Uẩn với chữ vàng "sơn hà xã tắc" trên tay. Như tiền định, khi lên ngôi, vua Lý Công Uẩn luôn trăn trở với những quyết sách làm sao cho giang sơn được bình yên và cường thịnh. Kịch "Dời đô" chỉ khắc họa hoàn toàn ý tưởng dời đô từ Hoa Lư về Đại La của Người cũng đủ cho thấy một bậc đế vương biết chăm lo quốc sự, muôn dân và nghĩ đến những kế sách bền lâu cho đất nước. Bởi quyết định này của đức vua gặp muôn vàn khó khăn - người ủng hộ, kẻ phản đối. Điều đó khiến vở diễn có những cao trào, xung đột quyết liệt đúng thế mạnh của kịch nói: mâu thuẫn giữa vua - tôi, cha - con, vợ - chồng…

Nghệ sĩ Anh Huy đứng vai vua Lý Công Uẩn khá thuyết phục. Không quá uy nghiêm, không ủy mỵ mà rất kiên định, giản dị, giàu tâm tư. Cảnh nhà vua tự vấn rằng, quyết định dời đô về Đại La có đúng không, có thuận trước sau trên dưới không, đã thuyết phục người xem về hình tượng một người đang đứng trước quyết định khó khăn nhất cuộc đời. Và sự "tinh đời" trong nhìn nhận, trọng dụng người tài của nhà vua đều được diễn tả thành công. Bên cạnh đó, các diễn viên Trần Hùng (vai Lê Hoài Vương), Huệ Đàn (vai Tổng trấn Đại La), Nguyễn Doanh (vai Hà Tài), NSƯT Thu Quế (vai Lập Giáo Hoàng hậu)… đã diễn rất tròn vai.

Rõ dấu ấn sân khấu kịch
Để thoát được "cái bóng" của "Dời đô" trên sân khấu cải lương do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Đồng Nai dàn dựng đã từng được HCV Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (2009), HCV Liên hoan Truyền hình toàn quốc (2009), giải A tác phẩm sân khấu của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (2009) quả là một thách thức với đạo diễn và ekip thực hiện.

NSND Lê Hùng đã "nhào nặn" để vở diễn đậm tính hiện thực. Ông vừa đưa khán giả về quá khứ để cảm phục ý chí, sự cương quyết của đức vua Lý Công Uẩn trong quyết định khiến nước Đại Việt bước sang một trang sử mới, vừa đem lại cảm giác gần gũi của cuộc sống hội nhập và phát triển hôm nay.  Lời thoại ngắn, có khí chất, dành nhiều cho diễn viên thể hiện tâm trạng nhân vật khiến vở diễn rất gợi mở, sâu sắc như một bài học nhắc nhở trách nhiệm của mỗi công dân trước những quyết định trọng đại của quốc gia - luôn đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. "Bàn tay" họa sĩ của NSND Doãn Châu cũng để lại nhiều dấu ấn trong vở diễn.

Một vở diễn đạt đúng tiêu chí ban đầu, không mang đề tài về chiến sĩ mà để phục vụ chiến sĩ và nhân dân của Nhà hát Kịch nói Quân đội. "Dời đô" có cái nhìn khái quát và rộng mở hơn về lịch sử, thời đại và cách đối nhân xử thế dù ở cương vị nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đậm chính sử, giàu hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.