LTS: Sách
LTS: Sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ", do NXB Thanh niên ấn hành năm 2004, là một tư liệu thú vị về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - "Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam". Tác giả, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, viết với sự cộng tác của bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng. Được sự đồng ý của Trung tướng Phạm Hồng Cư, để tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc trọn đời vì nước, vì dân, Báo Hànộimới trân trọng trích giới thiệu sách trên, cho thấy đoạn đời dường như còn ít người nhắc đến của Đại tướng; các đề mục nhỏ có đôi chút thay đổi.
Kỳ 1: Thoát ly gia đình, hoạt động cách mạng
Hồi đầu thế kỷ XX, ở làng An Xá (trước là xã, sau là thôn, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có một gia đình nhà nho nghèo làm ruộng. Người chồng tên húy là Võ Quang Nghiêm, vợ là Nguyễn Thị Kiên. Ông bà sinh hạ được bảy người con, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con thứ năm.
Võ Nguyên Giáp ra đời vào một mùa lụt, trong cái lều cất tạm dưới gốc cây mít to như cổ thụ trong vườn nhà. Thuở ấy, các cụ chỉ nhớ ngày sinh của con cái theo âm lịch, còn ngày sinh của Võ Nguyên Giáp theo dương lịch thì sau này các nhà nghiên cứu phương Tây, mỗi người nói một cách. Ví như bản chỉ dẫn về tiểu sử Võ Nguyên Giáp của Jean Sainteny ghi là 1912. Từ điển bách khoa Larousse ghi là 1911. Có những tác giả ghi là 1910 như Boudarel hoặc James Fox…
Tôi hỏi chị Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Vậy năm nào là đúng?”.
- Năm 1911.
- Căn cứ vào đâu?
- Anh Giáp tuổi Tân Hợi.
- Một lá số tử vi có không?
- Không. Mà có cũng không còn.
- Rất tiếc, tôi muốn xem người ta đoán như thế nào về số của anh Giáp. Còn ngày sinh?
- Ngày 25 tháng 8 dương lịch. Cũng tính từ “ngày ta” sang do bà (mẹ anh Giáp) nói và nhờ ông Trần Văn Giáp tính hộ.
Thân sinh
Họ Võ là một dòng họ lớn ở làng An Xá, từ đường ở cuối làng. Tiếc rằng gia phả nay không còn. Ông thân sinh của Võ Nguyên Giáp học tài thi phận. Ông đã nhiều lần thi hương cho tới khóa Mậu Ngọ 1918… Khác với Võ Nguyên Giáp sau này nhiều lần đậu tới thủ khoa, ông Nghiêm lều chõng bao lần thi không đậu. Tuy không đỗ đạt nhưng ông Nghiêm là một nhà nho có uy tín trong vùng.
…Võ Nguyên Giáp giống mẹ: Bà mẹ đã ban cho Võ Nguyên Giáp cả vóc người, gương mặt và đôi mắt thông minh. Những ai đã có dịp gặp bà đều nhận ngay ra rằng vóc người thấp đậm của Võ Nguyên Giáp là vóc người của bà. Gương mặt tròn, trắng trẻo của Võ Nguyên Giáp là gương mặt của bà. Đặc biệt là đôi mắt, vừa hồn nhiên nhân hậu như mắt trẻ thơ, vừa cương nghị như có ánh thép và sắc sảo long lanh trí tuệ. Sau này nữ ký giả phương Tây Oriana Fallaci khi phỏng vấn Đại tướng đã nhận xét: “Đôi mắt thông minh nhất mà tôi chưa từng thấy!”…
Với hai cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh
Khi đế quốc Pháp bắt cóc cụ Phan Bội Châu (30-6-1925) tại Thượng Hải (Trung Quốc) rồi đưa về Hà Nội xét xử tại tòa Đại hình (23-11-1925) thì một phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ cuồn cuộn dâng lên khắp ba kỳ… Cụ Phan về Huế trú tại Bến Ngự… Nhiều người gần xa đến vấn an, xin bái yết cụ, tặng quà. Dù biết rõ rằng cụ đang bị giam lỏng và lui tới thăm cụ sẽ bị mật thám theo dõi, họ vẫn đến… Ở cái tuổi 14, 15 đầy nhiệt huyết, anh Giáp cùng nhiều bạn học sinh Quốc học, Đồng Khánh và các trường khác ở Huế thuộc lớp người ấy. Thứ năm hằng tuần, anh Giáp và các bạn kéo nhau đến nghe cụ nói chuyện…
… Cụ Phan Chu Trinh lâm bệnh mất tại Sài Gòn ngày 24-3-1926… Ở Huế, lễ truy điệu nhà yêu nước được tổ chức trọng thể tại Hội quán Hội đồng hương Quảng Nam. Cụ Phan Bội Châu đứng ra làm chủ lễ. Bài điếu văn thống thiết do cụ viết được một phụ nữ có uy tín nổi tiếng ở Huế là bà Đạm Phương đọc… Học sinh Quốc học muốn tổ chức lễ truy điệu, nhưng nhà trường cấm và không cho học sinh đeo băng tang trong lớp. Lễ truy điệu được tổ chức tại nhà trọ của anh Giáp lúc này đã rời chỗ ở đến một ngôi nhà trên dốc Bến Ngự, nơi có nhiều học sinh Quốc học ngoại trú, giữa nhà đặt bàn thờ. Anh Giáp và các bạn đã xoay xở mượn đủ lư đồng, giá nến. Trong khói hương nghi ngút, những người dự lễ nghe đọc bài văn tế và tuyên thệ trước hương hồn nhà yêu nước.
Bãi khóa
Tháng 4-1927 lại một cuộc bãi khóa bắt đầu từ trường Quốc học rồi lan rộng ra khắp các trường ở Huế, thành tổng bãi khóa. Dưới sự chỉ đạo của Chánh mật thám Trung Kỳ Leon Sogny, Hiệu trưởng và Tổng giám Thị trường Quốc học là Bourotte, Harter huy động toàn bộ lực lượng giám sát trong trường theo dõi những học sinh “hiếu động”. Nếu xét về quan hệ cá nhân thì có thể nói Bourotte và Harter thực sự quý mến anh Giáp cũng như những học trò giỏi khác. Từ khóa Đệ nhất niên (1925-1926) đến khóa Đệ nhị niên (1926-1927) anh Giáp luôn luôn đứng đầu lớp, tháng nào cũng có tên hàng đầu trên bảng Danh dự. Chỉ có một tháng đứng thứ nhì, Hiệu trưởng Bourotte liền hỏi: “Sao vậy? Tháng này Võ Giáp đứng thứ hai là thế nào?”.
… Anh Nguyễn Chí Diểu và Võ Nguyên Giáp cùng sống trong ký túc xá, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng trao đổi những điều suy nghĩ… Anh Diểu là học sinh giỏi và có tư cách, không bao giờ gian dối, nhưng giám thị coi thi một mực vu anh Diểu cóp pi và đuổi anh ra khỏi lớp. Cả lớp la ó phản đối nhưng anh Diểu vẫn bị đuổi… Buổi học chiều 26-4-1927. 14 giờ. Học sinh vừa xếp hàng xong dưới mái “pờ rê ô” lúc giám thị huýt còi vào lớp thì học sinh lớp Đệ nhị niên A xếp hàng ở giữa không vào lớp. Cậu học sinh bé nhỏ Võ Giáp bước ra khỏi hàng hô lớn: “Bỏ học! Bỏ học! Phản đối việc đuổi Nguyễn Chí Diểu! Phản đối việc đàn áp học sinh!”… Cuộc bãi khóa bắt đầu…
… Một tháng sau, phong trào dần dần tan. Phần lớn học sinh đi học trở lại. Nhà cầm quyền công bố danh sách học sinh bị đuổi học: 90 người tại tất cả các trường ở Huế. Tại Quốc học là 37 người, đầu bảng là Nguyễn Chí Diểu, Võ Giáp, Nguyễn Khoa Văn, Phan Bôi, Nguyễn Hoàng…
Trở lại quê nhà
… Anh tự đặt một chương trình học tập rất nghiêm. Anh liên lạc để tự học theo Ecole universelle (Trường giáo dục phổ cập) bên Pháp. Anh nhận được tài liệu rất đều và trả bài rất đều. Số sách mang được về quê quá ít ỏi. Mấy cuốn Pháp văn còn sót anh đọc đi đọc lại, thuộc lòng từ đầu chí cuối kịch thơ Andromaque của Racine, Le Cid của Corneille. Anh tập làm văn theo cuốn Stylistique (Tu từ học)…
… Ông cụ muốn anh Giáp lấy vợ. Trong làng có cô Bá (vợ ông Bá hộ) đánh tiếng có con gái sẵn sàng gả. Vì nhiều lẽ, anh Giáp không thể ưng. Mẹ cô cho biết nếu thành hôn được, sẽ cho ruộng, cho nhà.
Ông cụ muốn anh Giáp phải nhận lời. Ý kiến bà mẹ thì khác: “Tùy con. Ưng thì lấy, không ưng thì thôi, không ép”…
… Một hôm có đò ai vào tận cổng… Người ấy nhanh nhẹn đi vào nhà: Đó là anh Nguyễn Chí Diểu… Anh Diểu rút ra một tập tài liệu bí mật trao cho anh Giáp đọc. Đó là bài nói của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới ở Bruxelles - Bỉ, và một văn bản về một cuộc họp khác ở Quảng Châu, có bài nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc. Anh Giáp rất xúc động… Bản thân anh Diểu đã tham gia tổ chức bí mật là Tân Việt cách mệnh đảng. Anh Diểu nói:
- Giáp này, muốn làm cách mạng thì phải có tổ chức. Có tổ chức cách mạng mới gây dựng được phong trào cách mạng. Ở Huế hiện nay có đảng Tân Việt, chương trình, điều lệ thế này… thế này…
Anh Giáp hoàn toàn tin tưởng người bạn lớn. Nguyễn Chí Diểu thay mặt cho tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào đảng Tân Việt (lúc đó Nguyễn Chí Diểu đã là ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Tân Việt).
Anh Diểu ở lại chơi mấy ngày rồi tạm biệt. Anh Giáp hẹn sẽ nhanh chóng thu xếp để vào Huế hoạt động cách mạng.
Thoát ly gia đình! Hoạt động cách mạng! Tâm hồn anh Giáp như có gió lộng. Anh trèo lên cây mưng sau nhà trên đường đi ra “bộng”, ngắt lá non ăn sống, nhấm nháp vị cay cay chát chát của nó…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.