(HNM) - Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vừa nồng ấm trở lại sau giai đoạn sóng gió, lại đứng trước thử thách mới bởi vụ việc gây chấn động dư luận thế giới - Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị một tay súng sát hại ngay tại thủ đô Ankara tối 19-12.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa khu vực xảy ra vụ ám sát tại thủ đô Ankara tối 19-12. |
Là một nhà ngoại giao lão luyện, Đại sứ Karlov đã nhiều lần kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng giữa Ankara và Mátxcơva liên quan đến cuộc chiến ở Syria. Ông cũng là người góp phần quan trọng trong việc hàn gắn quan hệ rạn nứt giữa hai nước sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga gần biên giới Syria hồi cuối năm 2015. Tối 19-12, khi Đại sứ Karlov đang phát biểu khai mạc một triển lãm ảnh mang tên “Nước Nga qua con mắt người Thổ Nhĩ Kỳ” tại thủ đô Ankara thì bị một tay súng đứng phía sau bắn nhiều phát và tử vong trên đường tới bệnh viện vì vết thương quá nặng. Kẻ tấn công bị tiêu diệt ngay sau đó. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ xác định đối tượng là Mevlut Mert Altinas, một cảnh sát đã bị sa thải do dính líu đến vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua và bị cáo buộc dính líu đến khủng bố. Khi tấn công ông Karlov, tên này cũng hô to những khẩu hiệu liên quan tới Syria.
Dù ủng hộ hai phe khác nhau trong cuộc nội chiến Syria, nhưng mới đây Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thống nhất được thỏa thuận dẫn tới một lệnh ngừng bắn cũng như mở ra các tuyến đường di tản dân thường khỏi khu vực bị phiến quân chiếm đóng ở Đông Aleppo. Thế nên, vụ ám sát Đại sứ Karlov ngay tại một sự kiện văn hóa ở thủ đô Ankara đang làm dấy lên những lo ngại về tương lai mối quan hệ hai nước. Trong khi một số chuyên gia cho rằng, sự kiện đáng buồn này có thể làm phức tạp hơn tiến trình "tan băng" thì cũng có ý kiến lại nhận định vụ việc sẽ khiến Mátxcơva và Ankara xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ngay sau cái chết của Đại sứ Karlov, giới chức hai nước đồng loạt đưa ra những thông báo nhấn mạnh quyết tâm không để sự cố này làm phương hại đến mối quan hệ song phương. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định, Ankara không cho phép mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi chỉ vì vụ mưu sát nói trên. Trong khi đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gọi cuộc tấn công là một "hành vi khiêu khích" nhằm cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, đồng thời cam kết sẽ phối hợp cùng các đối tác Nga điều tra vụ việc. Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng vụ mưu sát nhằm "phá hoại" mối quan hệ giữa hai nước, gây ảnh hưởng tới những cố gắng của Nga trong hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cùng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Điện Kremlin thông báo phiên thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về vấn đề Syria vẫn diễn ra ngày 20-12 tại Mátxcơva theo kế hoạch.
Theo các nhà phân tích, lãnh đạo hai nước sẽ không dễ gì phá vỡ những thỏa thuận đã đạt được trong vấn đề Syria. Hai bên đều theo đuổi các mục tiêu cần có sự hỗ trợ của phía còn lại. Với Thổ Nhĩ Kỳ là chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở phía Bắc Syria, còn với Nga là chiến dịch quân sự tại Aleppo và tham vọng đập tan lực lượng chống đối Tổng thống Bashar al-Assad. Dù hai nước đã “làm lành” với nhau nhưng mối quan hệ này vẫn còn mong manh. Nếu triển vọng hợp tác song phương bị xấu đi, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn phụ thuộc nhiều vào Nga sẽ lại chịu sức ép lớn. Quan trọng hơn, sự xấu đi trong quan hệ hai nước sẽ khiến các thỏa thuận ngừng bắn và sơ tán nhân đạo tại Aleppo có nguy cơ sụp đổ. Tình hình chiến sự trên toàn Syria có thể sẽ leo thang sau vụ việc này như một động thái trả đũa của các lực lượng đối lập tại Syria.
Hiện chưa rõ vụ mưu sát Đại sứ Karlov sẽ gây ra những tác động chính trị nào tới mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nó cho thấy một thực tế rằng, hai quốc gia này đang ủng hộ hai phe đối lập với nhau trong cuộc chiến Syria, dù đôi bên nỗ lực thiết lập quan hệ tốt đẹp với nhau. Do vậy, sự việc cho thấy bối cảnh an ninh phức tạp tại khu vực và đòi hỏi cả Ankara lẫn Mátxcơva có cách xử lý khéo léo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.