Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại lễ trước hết vì nhân dân

Hiền Lương| 10/11/2010 07:10

Tặng cờ thi đua cho 52 đơn vị, tặng bằng khen cho 564 tập thể và 908 cá nhân * Báo Hànộimới được nhận Cờ Đơn vị xuất sắc (HNM) - Đúng 30 ngày sau khi Đại lễ kết thúc thành công, hôm qua 9-11, Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Trí tuệ, công sức đóng góp, tình cảm nhiệt thành của hàng vạn người dành cho Đại lễ đã được ghi nhận. Hội nghị khẳng định Đại lễ thành công tốt đẹp và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã để lại những dư âm tốt đẹp lan tỏa trong mỗi trái tim con Lạc, cháu Hồng.

Các đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến, cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội Khoa học lịch sử, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tới dự… Thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng trình bày báo cáo tổng kết đã khẳng định "Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thành công trên 5 phương diện".


Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc.  Ảnh:  Nguyệt Ánh


Thứ nhất, những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị được tôn vinh mang tầm quốc gia và quốc tế. Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xác định sự kiện ngàn năm có một của chúng ta có ý nghĩa, vị trí và quy mô quốc tế. 10 ngày Đại lễ cũng là thời gian những giá trị truyền thống và hiện tại của Hà Nội được tôn vinh, quảng bá, trở thành điểm thu hút sự chú ý của mọi người dân trên khắp tinh cầu.

Thứ hai, các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã bồi đắp, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng tin yêu Đảng và chế độ ta ở mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước. Điều này được biểu hiện rõ nét qua thành công của những cuộc thi mang tính đại chúng hướng về Đại lễ với hàng triệu lượt người tham gia nhiệt tình, ấn tượng.

Thứ ba, với sự tập trung và tranh thủ các nguồn lực, hơn 100 công trình phục vụ đời sống tinh thần, vật chất và nhu cầu phát triển của Thủ đô, đất nước đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, tiêu biểu như Đại lộ Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy, Bảo tàng Hà Nội, Tủ sách "Thăng Long - Ngàn năm văn hiến"... Hà Nội đã được tăng cường một bước quan trọng, có tính chất đột phá về tiềm lực vật chất, tinh thần, tạo động lực để Thủ đô và đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

Thứ tư, các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", mọi người dân Việt Nam đều hướng về Thủ đô và đất nước thân yêu. Có lẽ chưa bao giờ dòng người đổ về Thủ đô lại nhộn nhịp, đông vui như 10 ngày diễn ra Đại lễ. Cũng chưa bao giờ, ở khắp nơi, ai cũng muốn biết, muốn tham gia và muốn đóng góp cho Đại lễ. Những đóng góp đó là một phần di sản mà kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để lại cho mai sau.

Thứ năm, việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh và nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô và đất nước Việt Nam với thế giới; đồng thời cho thấy Thủ đô của chúng ta đủ khả năng và điều kiện đăng cai tổ chức những sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế trong thời gian tới. 54 sự kiện lớn cùng hàng trăm hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi khắp các quận, huyện, thị xã an toàn, ấn tượng.

Công tác chuẩn bị, phục vụ và tổ chức Đại lễ đã được tái hiện qua tham luận của 3 đại biểu là Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Lê Văn Hoạt và Giáo sư Sử học Phan Huy Lê. Mỗi người một góc nhìn, nhưng đều khẳng định một thực tế: Thủ đô đã háo hức chờ đợi Đại lễ, phấn khởi tham gia các hoạt động và đối với họ, Đại lễ thực sự để lại những ấn tượng không thể nào quên, đem lại niềm tin yêu cuộc sống, niềm tự hào về Thủ đô, đất nước, quê hương mình.

Đề cập đến những ý kiến chưa đúng về chi phí cho Đại lễ, Giáo sư Phan Huy Lê phân tích, có ba loại chi phí tương ứng với ba nhóm công việc hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước hết là chi phí cho các công trình phục vụ phát triển như cầu, đường. Không có Đại lễ, chúng ta cũng phải làm. Thứ hai là chi phí cho các công trình phục vụ Đại lễ nhưng có ý nghĩa lâu dài như Bảo tàng Hà Nội, các rạp hát… "Từ những năm 1970, chúng tôi đã đề nghị xây dựng cho Hà Nội một bảo tàng riêng. Bởi các tỉnh đều có, chỉ riêng Hà Nội thì chưa. Đến nay, mong muốn đó mới thành hiện thực" - Giáo sư nói. Thứ ba là chi phí dành riêng cho tổ chức Đại lễ. Với ý nghĩa to lớn của Đại lễ, chúng ta phải tổ chức sao cho xứng tầm. Nhưng Giáo sư cho rằng, chi phí không lớn và cũng khó lãng phí. Tuy nhiên, ý kiến tâm đắc nhất của Giáo sư Phan Huy Lê là mong muốn TP Hà Nội lấy đà thành công của Đại lễ để phát huy giá trị những công trình hạ tầng, công trình văn hóa và hiệu quả tinh thần, đem lại những lợi ích thiết thực cho Thủ đô và đất nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra quyết định tặng Cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua cho 52 đơn vị và tặng bằng khen cho 564 tập thể, 908 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (danh sách cụ thể đăng trên số báo này), kèm theo số tiền thưởng tổng cộng hơn 2 tỷ đồng.

Thành công của Đại lễ, không ai có thể nói khác được

Báo cáo tổng kết chưa liệt kê hết được những đóng góp to lớn, có khi thầm lặng của hàng ngàn cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho thành công của kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là sự kiện ngàn năm có một, thời khắc lịch sử trọng đại mà không phải ai cũng có cơ hội được chứng kiến. Vì vậy, cùng với hình ảnh hàng vạn người dân nô nức đổ về Thủ đô mỗi ngày diễn ra Đại lễ, rất nhiều cá nhân, tổ chức bằng tình cảm đã thực hiện các tác phẩm, công trình, có khi tốn kém hàng ngàn ngày công để dành tặng Thủ đô, mong muốn chia sẻ niềm vui với mọi người. "Đó chính là những minh chứng cho thấy lòng dân hướng về Đại lễ hết sức to lớn, nên việc tổ chức Đại lễ sao cho xứng với lòng mong đợi, sự kỳ vọng của người dân và xứng với tầm vóc sự kiện là trách nhiệm của chúng ta. Đại lễ tổ chức trước hết là vì nhân dân" - Bí thư Thành ủy khẳng định.

Nhấn mạnh đến niềm tự hào về ngàn năm văn hiến, đặc biệt là tính liên tục và bề dày lịch sử văn hóa hiếm có trên thế giới của Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, con cháu đời sau đều phải biết tri ân với các bậc tiên tổ. Việc này những năm qua chúng ta vẫn làm, nhưng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp biểu thị tình cảm biết ơn đó một cách mạnh mẽ, sâu sắc nhất. Đây là lý do để hàng vạn người đã chung tay, dày công tham gia tổ chức thành công Đại lễ giàu ý nghĩa và hết sức ấn tượng như chúng ta đã được chứng kiến. "Đó là điều không ai có thể nói khác được" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Thẳng thắn đề cập những điều chưa hài lòng về công tác tổ chức Đại lễ, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói: "Chúng ta hiểu không phải mọi việc đều chu toàn. Vẫn còn có những việc chưa được, nhưng là phần thứ yếu. Điều quan trọng là trước những thiếu sót hay sự cố không mong muốn, chúng ta đã kịp thời xử lý để không làm hỏng việc chung, việc lớn".

Theo Bí thư Thành ủy, sau lễ tổng kết này, TP Hà Nội sẽ tiếp tục xem xét về những nội dung, công việc liên quan đến Đại lễ bao gồm cả cái được và cái chưa được. Đồng chí nhấn mạnh: Chúng ta đã cùng nhau làm nên thành công của Đại lễ, thì cũng sẽ cùng nhau đánh giá một cách thật sự nghiêm túc những việc chưa thành công. Thái độ của chúng ta là cùng lắng nghe và không nên nói một chiều. Chỉ khen hoặc thổi phồng những điều chưa được lên đều không hay. Sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nên nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô là phải cùng hướng về phía trước với tinh thần đồng thuận cao.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại lễ trước hết vì nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.