Trong 35 sự kiện, Đại lễ đứng đầu về tính hiệu quả (HNM) - Hôm qua 5-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây được coi là hội nghị cuối cùng của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trước khi giải thể.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, hiếm có năm nào như năm 2010 khi cả 3 đề xuất di sản thế giới của Việt Nam đều được UNESCO thông qua (Hoàng thành Thăng Long, Văn bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Gióng). Tuy nhiên, ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, vấn đề của Hà Nội bây giờ là bảo tồn, phát huy giá trị những di sản này. Các di sản cần có hệ thống quản lý rõ ràng và chương trình phát triển cụ thể để được nâng lên tầm cao mới. "Các tỉnh, thành phố đang trông vào Hà Nội xem sau thành công của Đại lễ, thành phố sẽ làm gì".
Cũng theo ông Phạm Sanh Châu, Đại lễ là một dạng sự kiện khác biệt so với những sự kiện quốc tế trước đây Việt Nam từng tổ chức. Đây cũng là sự kiện tầm quốc tế nhưng có sự tham gia của nhiều cộng đồng dân cư, nên mô hình, cách thức tổ chức rất khác. Đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cho rằng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là vấn đề cần rút kinh nghiệm. "Ngày 10-10, nếu chúng ta phối hợp dẫn đường tốt hoặc in bản đồ chỉ đường trên giấy mời có thể hạn chế được tình trạng quá tải" - đại diện Bộ Công an nhận định.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Phùng Hữu Phú cho rằng, nhiều thành quả mà Đại lễ mang lại vẫn còn chờ chúng ta "đánh thức". Trong đó, việc trước mắt nhìn thấy là Hà Nội cần có Luật Thủ đô để tạo hành lang pháp lý cho điều hành, quản lý hiệu quả hơn. Thủ đô cũng cần sớm có quy hoạch vùng để tạo ra môi trường hỗ trợ phát triển. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Phùng Hữu Phú, Bộ Chính trị nên thay thế Nghị quyết 15 (đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực đối với Hà Nội) bằng một nghị quyết mới phù hợp với Thủ đô mở rộng cũng như tình hình mới hiện nay. Chính phủ cũng nên tiếp tục đầu tư phát triển các chương trình, dự án phát huy giá trị văn hóa, xã hội Thủ đô như một chương trình nghiên cứu mới, tiếp nối chương trình KX.09 (Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô) hay đầu tư làm tiếp "Tủ sách Thăng Long" còn đang dang dở.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng nhận định, phải làm rõ được cái gì cần làm tiếp theo sau Đại lễ để bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Phó Thủ tướng đồng ý là Hà Nội cần có một chương trình nghiên cứu khoa học mới tiếp nối chương trình KX.09.
Tiết kiệm khen thưởng
Theo thông tin từ cuộc điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu xã hội vừa hoàn thành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Phùng Hữu Phú cho biết: "Đại lễ đứng số 1 trong 10 sự kiện trong nước được quan tâm nhất. Trong số 35 sự kiện, hoạt động lớn năm 2010, Đại lễ cũng được đánh giá là có hiệu quả cao nhất".
Đề cập Đại lễ dưới góc độ ngoại giao, ông Phạm Sanh Châu cho biết, hiếm có dịp nào Việt Nam lại có cơ hội vừa quảng bá đất nước vừa quảng bá Thủ đô như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là sự kiện chính giúp năm 2010 trở thành năm triển khai thành công chính sách ngoại giao toàn diện, đặc biệt là ngoại giao văn hóa… Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh con số trên 5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2010 và cho rằng, nguyên nhân là do hiệu ứng Đại lễ đem lại. Đặc biệt, với những gì đã diễn ra, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thành công, sự thành công này có thể gói gọn trong 12 chữ: "Hào hùng, văn hiến, hòa bình, hữu nghị, an ninh và tiết kiệm". Riêng về chữ tiết kiệm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: "Hàng ngàn văn nghệ sĩ, diễn viên đến với Đại lễ bằng tấm lòng. Hàng vạn sinh viên, học sinh cũng vậy, họ tập luyện đến 2-3h sáng nhưng bồi dưỡng không được bao nhiêu… Những gì Đại lễ mang lại cho chúng ta còn lớn hơn rất nhiều lần chi phí".
Nhiều đại biểu thừa nhận, trong thời bình, chưa sự kiện nào huy động được sức người, sức của nhiều như Đại lễ, cũng chưa có sự kiện nào tạo được tiếng vang cả trong nước và ngoài nước lớn như Đại lễ. "Khối lượng công việc, tâm huyết của biết bao người không thể tóm gọn được trong một báo cáo. Chỉ riêng hai từ "diễu binh" thôi đã là công sức, tình cảm của hàng vạn người đằng sau" - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nói. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Hồ Quang Lợi, Đại lễ đã khích lệ tinh thần của toàn dân tộc. Đây thực sự là bệ phóng để chúng ta làm nhiều việc lớn hơn nữa.
Cho rằng thành công của Đại lễ mang ý nghĩa lịch sử, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, một vài sự cố như nổ pháo hoa, tắc nghẽn giao thông ngày 10-10 không làm mờ được thành công to lớn của Đại lễ, xứng đáng với đánh giá bằng 12 chữ "Hào hùng, văn hiến, hòa bình, hữu nghị, an ninh và tiết kiệm". Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Muốn tổ chức bất kỳ sự kiện nào, đầu tiên phải được dân đồng thuận, bạn bè quốc tế ủng hộ". Đề cập đến vấn đề khen thưởng, Phó Thủ tướng nêu rõ: "Bằng khen của Thủ tướng là mức cao nhất. Phó Thủ tướng - Trưởng ban, các bộ trưởng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì thôi. Đây cũng là một cách tiết kiệm, nên làm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.