Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XI, nhiệm kỳ 1991-1996 được tổ chức 2 vòng. Vòng 1 diễn ra từ ngày 25 đến 29-4-1991 với sự tham dự của 548 đại biểu. ĐH đã góp ý kiến vào dự thảo 5 văn kiện trình ĐH toàn quốc lần thứ VII của Đảng và bầu 60 đại biểu chính thức, 5 đại biểu dự khuyết đi dự ĐH Đảng toàn quốc.
ĐH đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI tổ chức vòng 2 từ ngày 16 đến 19-11-1991. 438 đại biểu chính thức thay mặt hơn 138.000 đảng viên toàn Đảng bộ tham dự ĐH. Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt tới dự. Đây là ĐH đầu tiên thực hiện cơ chế đổi mới.
Tại ĐH, các đại biểu nhất trí đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết ĐH Đảng bộ thành phố lần thứ X, công cuộc đổi mới ở Thủ đô đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, tình hình chính trị của Thủ đô ổn định. Nền kinh tế thành phố đang trong quá trình chuyển biến tích cực, đã xóa bỏ phần lớn bao cấp, từng bước hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Hoạt động kinh tế sôi động hơn và đi vào thực chất, đã xuất hiện điển hình tốt trong các thành phần kinh tế. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân được cải thiện. Bên cạnh đó, ĐH cũng chỉ rõ, kinh tế vẫn chậm phát triển, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chuyển kịp theo cơ chế mới; làm ăn kém hiệu quả, thất nghiệp ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, các tiềm năng to lớn của thành phố chậm được phát huy. Những khó khăn gay gắt về vốn, thị trường, trình độ công nghệ thấp, cán bộ quản lý giỏi chưa nhiều đang là trở ngại chủ yếu cho kinh tế phát triển.
ĐH xác định 5 mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 1991-1995. Trong đó, có các mục tiêu như: Bảo đảm ổn định về chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, tạo chuyển biến rõ rệt về trật tự đô thị và an toàn xã hội; phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, từng bước ổn định, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường xây dựng và quản lý đô thị; nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch; đổi mới tổ chức và cán bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng…
ĐH bầu Ban chấp hành khóa mới gồm 51 ủy viên. Đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy. Phó Bí thư Thành ủy là các đồng chí Lê Xuân Tùng, Phạm Lợi. Trong giai đoạn này, từ ngày 29 đến 31-3-1994, Đảng bộ thành phố đã tiến hành hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ, bầu bổ sung 8 ủy viên vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI.
l Tại kỳ họp thứ chín (từ ngày 27-7 đến 12-8-1991), Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Tỉnh Hà Tây được tái lập và chính thức làm việc từ ngày 1-10-1991. Đảng bộ tỉnh có 14 huyện, thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc, gồm 1.038 cơ sở Đảng, hơn 74.000 đảng viên. Sau hơn 5 tháng tái lập tỉnh, từ ngày 16 đến 19-3-1992, ĐH đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Hà Tây nhiệm kỳ 1992-1995 được tổ chức. 318 đại biểu tham dự ĐH.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đã tới dự. ĐH đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong 4 năm (1992-1995) là: Giải quyết tốt vấn đề lương thực, có thêm nhiều nông sản hàng hóa chế biến và hàng tiêu dùng, tăng nhanh hàng xuất khẩu; từng bước xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh trật tự ở các thị xã, thị trấn; xây dựng cơ sở hạ tầng bức thiết; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; kiện toàn và làm trong sạch bộ máy, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò các đoàn thể nhân dân.
ĐH bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 47 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đình Sở được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy là các đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Vương Văn Biện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.