(HNM) - Từ tháng 4-2012 đến nay là thời kỳ khủng hoảng nhất của ngành chăn nuôi khi giá thực phẩm liên tiếp giảm mạnh, còn giá đầu vào tăng cao. Điều này không chỉ làm cho các trang trại (TT) chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn khó, mà các "đại gia" chăn nuôi quy mô lớn hàng nghìn con cũng đang "sống dở chết dở" trong khi các gói tín dụng hỗ trợ của Nhà nước với người chăn nuôi hầu như vẫn chỉ nằm trên giấy!
Người chăn nuôi đang gặp khó khăn do biến đổi giá cả thị trường. Ảnh: Bá Hoạt |
Khốn khổ vì lỗ
Theo Cục Chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi các loại trong 7 tháng đầu năm 2012 đạt 2,6-2,7 triệu tấn, tương đương với 1,78-1,85 triệu tấn thịt xẻ. Nhưng bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trong khi giá đầu ra liên tiếp giảm, khiến cho 50% TT chăn nuôi phải bỏ chuồng. Ngay cả các doanh nghiệp (DN), TT chăn nuôi quy mô lớn cũng không tránh khỏi những khó khăn, hàng loạt DN chỉ hoạt động với 50-60% công suất để duy trì một phần việc làm cho công nhân và giữ chân khách hàng.
Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Hoàng Long buồn rầu cho hay: Từ khi mở công ty kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi lợn được gần 10 năm nay, đây là thời kỳ khó khăn nhất của công ty. Với 300 đầu lợn nái và 3.000 lợn thịt, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, nhưng hiện nay hoạt động chỉ đạt 2/3 thiết kế, bởi từ tháng 4 đến nay giá lợn liên tục giảm, mỗi đợt từ 10-20%. Trong khi đó, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn so với tháng 6 như khô dầu đậu tương tăng 15,2%, sắn lát tăng 6%... Không những thế, khi mua thức ăn chăn nuôi còn phải chịu 5% thuế VAT (trung bình một năm mất khoảng 1 tỷ đồng). Ngoài ra, tiền thuê công nhân, điện, nước đều tăng, khiến cho giá đầu vào tăng khoảng 10-20% trong khi đầu ra giảm mạnh. Hiện giá lợn chỉ dao động ở mức 41.000 đồng - 42.000 đồng/kg, nhưng giá thành sản xuất đã là 50.000 đồng/kg nên mỗi tháng DN lỗ 300 triệu đồng.
Cùng chung cảnh ngộ này, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên ở huyện Chương Mỹ cho biết, hiện tại trung bình mỗi ngày công ty cung cấp 4.000-5.000 trứng sạch cho thị trường. Nhưng từ đầu năm đến nay giá giảm mạnh, có thời điểm trứng chỉ bán với giá 8.000 đồng-14.000 đồng/quả trong khi giá thành sản xuất 15.000 đồng/quả. Vì vậy, 7 tháng nay, DN đã lỗ gần 2 tỷ đồng. Mặc dù, ba ngày nay giá trứng có nhích lên nhưng vẫn phập phù, đầu ra không ổn định.
Chính sách phải phù hợp với thực tiễn
Các DN chăn nuôi đều cho rằng, nếu thời gian tới Nhà nước không có những giải pháp kịp thời hỗ trợ DN thì ngành chăn nuôi sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng, và tình trạng thiếu nguồn cung trong những tháng cuối năm lại tiếp diễn. Đặc biệt, mặc dù giá thịt trong nước giảm mạnh nhưng Nhà nước vẫn cho các DN nhập khẩu thịt với số lượng lớn về tiêu thụ tại thị trường nội địa, khiến cho việc rớt giá càng trở nên thê thảm. Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước cần nghiên cứu thực tế cung cầu thị trường để bảo đảm cân bằng, hạn chế việc nhập khẩu thịt một cách ồ ạt như hiện nay; đồng thời, áp thuế 0% đối với thức ăn chăn nuôi để tạo điều kiện cho các DN, TT giảm giá đầu vào. Chính sách vay vốn của Nhà nước cũng phải phù hợp, rõ ràng đối với từng quy mô TT, với thời gian vay 15-20 năm và lãi suất hợp lý để kích thích sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, hiện Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ về gói 9.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân và DN chăn nuôi cả nước, nhưng thông qua rất nhiều cuộc họp của các bộ, ban, ngành và ngân hàng cuối cùng vẫn chưa có lời giải. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế chính sách để từng bước tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi. Nếu không, các "đại gia" chăn nuôi cũng không cầm cự nổi, chưa nói đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Không chỉ Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan cũng cần vào cuộc đồng bộ mới có thể tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi. Các DN, TT cần liên kết chặt chẽ với nông dân để hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, giảm giá thành sản xuất, tránh rủi ro, dễ dàng huy động các nguồn vốn từ chính nông dân và các TT, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các DN chăn nuôi có vốn đầu tư 100% của nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.