(HNM) - Sau hơn ba tuần chiến sự liên tục trên Dải Gaza, 8h sáng 1-8 (giờ địa phương), một thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 72 giờ bắt đầu có hiệu lực.
Israel và lực lượng Hamas vũ trang (Hamas) đồng ý ngừng bắn để giải quyết tình hình nhân đạo khẩn cấp và tạo cơ sở cùng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng trên bàn ngoại giao.
Người dân Palestine bàng hoàng vì lệnh ngừng bắn 72 giờ bị phá vỡ sau hai giờ đồng hồ. |
Ba ngày ngừng bắn nhân đạo, đề xuất do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon làm trung gian, đánh dấu thành quả quan trọng nhất trong nỗ lực kết thúc cuộc chiến đẫm máu hơn 20 ngày qua ở Dải Gaza. Đây là khoảng thời gian quý giá để các bên thực hiện cứu trợ nhân đạo, nơi cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã cướp đi sinh mạng hơn 1.500 người; đồng thời là cơ hội để các bên LHQ, Mỹ, Tel Aviv, Hamas và Ai Cập... tìm kiếm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn cho cuộc chiến này. Trong tuyên bố chấp nhận ngừng bắn, các quan chức Israel và Hamas khẳng định, họ muốn mở đường cho viện trợ nhân đạo đến với người dân Gaza. Thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi có thể giúp người Palestine tại Dải Gaza có những khoảng yên bình chốc lát, sau khi bạo lực khiến hơn 1.500 người, chủ yếu là dân thường, tại đây thiệt mạng. Ở bên kia chiến tuyến, 63 binh sĩ Israel và 3 dân thường thiệt mạng.
Thế nhưng, chưa đầy 2 giờ sau đó, thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ. Còi báo động phòng không đã vang lên từ phía Israel và các cuộc pháo kích hạng nặng được nối lại tại Rafah, làm ít nhất 62 người chết và hơn 350 người bị thương. Hiện chưa rõ bên nào vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trước, khi mà cả Israel và Hamas đều đổ lỗi cho nhau về lệnh ngừng bắn hết hiệu lực. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Peter Lerner xác nhận lệnh ngừng bắn đã hết hiệu lực ngay sau khi một binh sĩ Israel bị mất tích và Tel Aviv đang tiếp tục các hoạt động trên bộ để tìm kiếm binh sĩ này. Israel cho rằng binh sĩ của họ đã bị các tay súng Hamas bắt cóc trong vụ đụng độ trước đó cùng ngày.
Trước tình hình ngày một căng thẳng ở Dải Gaza, thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ rất đáng thất vọng, dự báo về một lệnh ngừng bắn mới khó khăn hơn. Cộng đồng thế giới đã bày tỏ quan ngại sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza bị đổ vỡ. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chỉ trích tình hình bạo lực tại Dải Gaza, đồng thời hối thúc các bên liên quan nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán. Giới chức Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về tình hình tại Dải Gaza, song cho rằng Hamas là nguyên nhân dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn bị đổ vỡ. Trong một tuyên bố, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Tony Blinke nhấn mạnh, việc lực lượng Hamas bắt cóc một binh sĩ Israel đã đẩy Tel Aviv đi đến quyết định trên và vụ việc đó là hành động "cực kỳ vô nhân đạo" của Hamas.
Thực tế, cuộc chiến tại Dải Gaza kéo dài càng khiến uy tín của Hội đồng Bảo an, Liên đoàn Arab và ngay cả của Mỹ, siêu cường có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Trung Đông bị đe dọa nghiêm trọng. Việc cả Israel lẫn Hamas không những không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mà còn hành động khiến tình hình thêm căng thẳng cho thấy nỗ lực bất thành của không ít tổ chức quyền lực khu vực và toàn cầu về cuộc chiến hiện nay ở Dải Gaza. Trong suốt chiều dài lịch sử của xung đột Israel - Hamas, những vụ nã pháo, rocket giữa hai bên đã không ít lần xảy ra. Tuy nhiên, bất chấp thúc giục từ cộng đồng quốc tế về một nền hòa bình, lần này cả Israel lẫn Hamas đều có vẻ đang muốn chơi một "canh bạc" cuối. Đây có thể xuất phát từ những toan tính của đôi bên về tình trạng hiện tại của Trung Đông là chưa thể bùng nổ một cuộc chiến lớn trong khu vực cho dù có "va chạm" mạnh như đang xảy ra tại Dải Gaza.
Giờ đây, một hy vọng lại đang được nhen nhóm, nhằm đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Gaza khi cuộc đàm phán mới diễn ra tại Cairo (Ai Cập) ngày 2-8, với sự tham dự của đại diện Israel và Palestine. Mỹ cũng cử một phái đoàn tham dự đàm phán. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngay cả những lệnh ngừng bắn ngắn ngủi còn không thực hiện nổi thì hy vọng sớm có một nền hòa bình cho Gaza là điều quá xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.