(HNM) - “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công!
1. Được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhờ tinh thần đoàn kết, nhân dân ta đã vượt qua mọi gian lao, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông bờ cõi, viết nên những trang sử vàng hào hùng của dân tộc.
Các gia đình tiêu biểu tổ dân phố số 5, phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) được khen thưởng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Thái Hiền |
Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc luôn được phát huy mạnh mẽ. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ tầm quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người cho rằng, để giải phóng một dân tộc, xây dựng một chế độ mới đều cần huy động sức mạnh toàn dân. Người khuyên đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng phấn đấu cho một tương lai tươi sáng.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thấm nhuần tư tưởng của Bác, từ khi ra đời và suốt tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng cho đến nay, Đảng ta luôn đề cao chiến lược đại đoàn kết dân tộc, coi đó là cội nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh đó là nguồn gốc sâu xa của thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về các vấn đề: Dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài... nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn lực to lớn giúp chúng ta gặt hái được nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực sau hơn 30 năm đổi mới, qua đó khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ thực tiễn của công cuộc đổi mới, tư duy về đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta được phát triển lên một tầm cao mới. Cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân” được bổ sung, hoàn chỉnh thành “Đại đoàn kết toàn dân tộc” với ý nghĩa bao hàm nhân dân ta cả ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Thế giới đang bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Sự phân hóa giàu - nghèo; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận cùng với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tác động không nhỏ tới lòng tin của nhân dân. Thực tiễn này đòi hỏi chúng ta cần củng cố vững chắc hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này, yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội đối với việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Đồng thời, cần quán triệt sâu sắc trong tư tưởng và thực hiện nhất quán trong hành động của từng cán bộ, đảng viên quan điểm mấu chốt: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.
Sức mạnh của Đảng chính là mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải hợp lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống. Vì thế, cần tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy - trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Điều này đã được văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hoàn thành trọng trách lớn lao nhưng hết sức vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cấp, các ngành cần tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội; tổ chức và động viên, quy tụ nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, trong đó “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân”. Tăng cường công tác phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
3. Có thể khẳng định, đoàn kết là bài học vô cùng quý giá không bao giờ cũ trong mọi thời kỳ. 88 mùa xuân dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 70 mùa xuân kể từ khi nước ta giành được độc lập, bài học đại đoàn kết vẫn còn nguyên tính thời sự và mang tầm thời đại, là phương châm để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hành động nhằm đạt được những thành công to lớn hơn trên con đường tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.