(HNMO) - Ngày 17-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Đại diện gần 2000 doanh nghiệp đưa ra các kiến nghị thẳng thắn để cùng
* Xem toàn văn phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện các doanh nhân tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng bộ trưởng các bộ, ngành liên quan. Đại diện thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung dự và phát biểu tại Hội nghị.
Đặc biệt, khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần so với Hội nghị được tổ chức năm 2016, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. |
Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng gần 10.000 đại biểu dự Hội nghị.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời nhiều nhà chí sĩ, doanh nhân tiêu biểu của dân tộc để nhấn mạnh: "Từ cả thế kỷ trước, chúng ta đã có những chí sĩ yêu nước, nhà khởi nghiệp mang trong mình hoài bão lớn, bắt kịp với xu thế của thời đại. Bài học, tấm gương và khát vọng của họ tiếp tục là niềm cảm hứng và làm rạng danh thương hiệu doanh nhân Việt Nam cho đến ngày hôm nay".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP |
"Tôi tin rằng, các bạn đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng.
Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng hiểu rằng, đó chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Xem toàn văn báo cáo tại đây)
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày báo cáo kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (Xem toàn văn báo cáo tại đây)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (Xem toàn văn báo cáo tại đây)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng báo cáo về vấn đề tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (Xem toàn văn báo cáo tại đây)
Từ 9h02, dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra các kiến nghị thẳng thắn cùng "hiến kế" với Chính phủ để giải quyết các vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Đại diện Phòng Thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp một số quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... tại Việt Nam cũng có bài phát biểu, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Hội nghị đã có 16 ý kiến phát biểu của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do hạn chế thời gian, các doanh nghiệp, hiệp hội chưa có điều kiện phát biểu gửi kiến nghị về Văn phòng Chính phủ.
Giải đáp thắc mắc, kiến nghị mà các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vừa nêu, đại diện các bộ, ngành và địa phương lần lượt nêu các thông tin làm rõ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính; trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trước khi Hội nghị diễn ra, đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, mong muốn các doanh nghiệp chủ động tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, tuân thủ đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về thuế, hải quan nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có báo cáo về các giải pháp góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay vẫn là ở khâu thủ tục hành chính. Do đó, ông kiến nghị, cải cách hành chính cần được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn theo hướng tập trung rà soát, bỏ những thủ tục không cần thiết, bổ sung những quy định cần thiết, đẩy mạnh công khai minh bạch thủ tục hành chính.
Về phía ngành Kiểm sát, qua các vụ án kinh tế, ngành hết sức quan tâm phát hiện các sơ hở, bất cập để kiến nghị ngăn chặn việc lợi dụng thu lợi bất chính, tạo sự công bằng trên thương trường; ngành cũng kiên quyết bảo vệ doanh nghiệp và người dân làm ăn chân chính, hiệu quả và đúng pháp luật; phấn đấu hạn chế và không hình sự hóa các quan hệ dân sự; có trách nhiệm bảo vệ cách làm sáng tạo, hiệu quả của doanh nghiệp mà pháp luật hiện hành chưa cập nhật kịp thời...
Tiếp đó, trong phát biểu của mình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu hàng loạt các việc làm cụ thể mà thành phố đã triển khai thực hiện trong năm 2016 nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; nêu các nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố sẽ thực hiện trong thời gian tới cùng với các kiến nghị gửi đến Chính phủ... (xem chi tiết phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại đây).
Thủ tướng tin tưởng những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho "bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam".
Sau phát biểu của lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và giải đáp của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu kết luận quan trọng, nêu ra nhiều cam kết mạnh mẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
"Đầu tiên, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra một năm quá một lần. Thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây" - Thông tin đầu tiên được Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị.
Tiếp đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ là phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi DN tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. So với Hội nghị lần trước tổ chức tại TP Hồ Chí Minh thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Hội nghị 2017 chủ yếu tiếp nhận các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho DN.
Thủ tướng công bố với các DN dự Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ quan điểm, kết quả bước đầu đạt được đáng động viên, khích lệ các tỉnh và thành viên Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển của DN như:
Thứ nhất, về thể chế chính sách, chưa giải quyết được một số vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ví dụ tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu trong một số lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường, vấn đề hợp chuẩn… thiếu minh bạch, tốn kém chi phí, sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề; để sản phẩm hàng hóa ra thị trường còn nhiều vướng, mất thời gian của DN.
Các quy định về công nhận DN công nhệ cao, DN khoa học công nghệ, DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Thứ hai, về thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa được xử lý triệt để.
"Thuế, phí cao cho DN là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và sẽ có một chương trình hành động cụ thể sau" - Thủ tướng Chính phủ cam kết.
Thứ ba, thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh trong một số nơi còn gây khó khăn cho DN, vì vậy có hiện tượng "cò" làm dịch vụ cấp thủ tục hành chính cho DN, thủ tục giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thuê đất còn cao, giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn, vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức... gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền, chưa sát sao và nắm bắt chính xác các vấn đề DN cần hỗ trợ...
Thứ tư, tiếp cận tín dụng thực thi chính thức, giao dịch bảo đảm chưa tạo điều kiện cho người dân và DN phát huy tài sản bảo đảm để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến dòng tín dụng bị phân bổ một cách chênh lệch, xa rời thực tế. Tồn tại về vấn đề thị trường, việc cung cấp thông tin và hỗ trợ DN tiếp cận thị trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế, rất ít DN có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Theo thống kê, chúng ta mới có trên 21% DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó Thái Lan trên 30% và Malaysia trên 45%. Việc hình thành đồng bộ các thị trường như thị trường đất đai, thị trường tín dụng, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường các ý tưởng phát minh sáng chế… Hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp kém hiệu quả gây thiệt hại và bức xúc không đáng có cho DN.
Trong thời gian tới, Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hàng loạt các giải pháp cụ thể.
"Tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế cho Việt Nam" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Nhân đây, Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn DN cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Như cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng DN yếu kém. Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho DN hoạt động.
Nhắc lại câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu", Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng DN phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế hội nhập, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, là tạo điều kiện cho các DN, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.