(HNM) - Số ca tử vong hằng ngày tăng cao kỷ lục cùng sự lây lan nhanh chóng của biến chủng mới đang đẩy Brazil vào tình trạng đáng báo động trước cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ Carissa Etienne nhận định, trường hợp của Brazil chính là lời cảnh báo dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp và gây tổn hại tại chính những khu vực từng bị vi rút SARS-CoV-2 tấn công trong quá khứ.
Brazil hiện là nước có số trường hợp mắc Covid-19 đứng thứ 3 trên thế giới và số bệnh nhân tử vong cao thứ 2, chỉ sau Mỹ.
Những kỷ lục đáng buồn vẫn chưa dừng lại với quốc gia Nam Mỹ này, khi chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận số ca tử vong hằng ngày do đại dịch cao nhất thế giới (hơn 1.000 trường hợp tử vong/ngày) vẫn tiếp tục được nối dài. Ngày 11-3, Bộ Y tế Brazil công bố số liệu cho thấy nước này có thêm tới 2.286 ca tử vong chỉ trong ngày 10-3. Từ đầu tháng 3-2021 đến nay, Brazil đã 3 lần xác nhận kỷ lục mới về số ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ.
Ông Joao Doria, Thống đốc bang Sao Paulo bày tỏ lo ngại, hệ thống y tế ở Brazil đang đứng trước nguy cơ “sụp đổ”. Theo CNN, hơn 80% giường bệnh chăm sóc đặc biệt ở 22/26 bang và 1 quận liên bang của Brazil đã chật kín bệnh nhân. Ở phía Nam bang Rio Grade do Sul, bệnh nhân phải xếp hàng dài để chờ giường bệnh trước tình cảnh các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã hoạt động vượt quá 100% công suất. Khu điều trị đặc biệt ở bang Santa Catarina lân cận cũng đã vượt 99% công suất và đang bên bờ vực quá tải. Y tá trưởng David Molin của một bệnh viện ở thủ phủ Florianopolis (bang Santa Catarina) cho biết, các y, bác sĩ ở đây đang phải nỗ lực làm việc tới kiệt sức.
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ Carissa Etienne cảnh báo, gần như tất cả các bang tại Brazil đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm bệnh trong vòng 1 tuần qua. Đáng lo ngại, sự xuất hiện của các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đang phủ bóng đen lên nỗ lực phòng, chống dịch bệnh ở quốc gia Nam Mỹ này.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Brazil cho thấy, biến chủng mới lần đầu được phát hiện ở thành phố Manaus thuộc miền Bắc Brazil vào cuối năm ngoái với tên gọi P.1 có thể lây lan nhanh gấp 2,2 lần. Theo một số nghiên cứu sơ bộ, ngay cả những người từng mắc Covid-19 trước đó, nay đã hồi phục cũng có nguy cơ cao nhiễm biến chủng này. Theo Quỹ Oswaldo Cruz trực thuộc Bộ Y tế Brazil, P.1 là chủng lây nhiễm chủ yếu tại ít nhất 6 bang của nước này. Trong vòng vài tuần gần đây, mức độ nguy hiểm của P.1 trở nên rõ ràng khi các bệnh viện trong thành phố cạn kiệt ôxy y tế do quá tải bệnh nhân.
Hy vọng đang được đặt vào hiệu quả của quá trình triển khai vắc xin trên diện rộng. Song việc tiêm chủng tại Brazil được đánh giá là khá chậm so với các quốc gia khác trong khu vực. Hiệp hội Y tế quốc gia Brazil nhận định, tốc độ cung cấp vắc xin và triển khai tiêm chủng chậm chạp cho thấy tình huống cấp bách về y tế hiện nay khó có thể bị đảo ngược trong thời gian ngắn. Theo Bộ Y tế Brazil, mới có khoảng 4% trong số 211 triệu dân nước này nhận được ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19.
Ngày 11-3-2021 là tròn 1 năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo rõ ràng về mức độ lây lan nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như những hậu quả của nó đối với cộng đồng. Tuyên bố của WHO khi đó được đưa ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận 118.000 trường hợp dương tính. Sau một năm, con số này đã tăng lên tới hơn 118 triệu ca nhiễm và dịch bệnh vẫn tiếp tục tấn công mọi ngõ ngách, buộc nhân loại phải hành động khẩn cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.