(HNM) - Chiều qua, 28-12, Giải vô địch Diễn đàn bóng bàn Việt Nam - Cúp báo Công an nhân dân 2014 đã khép lại tại Nhà thi đấu Cầu Giấy - Hà Nội.
Cựu danh thủ Lê Văn Tiết từng vô địch tại ĐH Thể thao Châu Á năm 1958 tham dự giải. |
1. Một trong những điều phải nhắc đến ở giải đấu này có lẽ là có nhiều buổi thi đấu kết thúc muộn nhất. Giải đấu diễn ra trong 4 ngày với 10 buổi, 8 bàn đấu. Ngoài ra, tại mỗi buổi đấu, khi các VĐV chuyên nghiệp kết thúc thi đấu ở 4 bàn khác thì các VĐV nghiệp dư mới được vào tiếp quản. Riêng các nội dung nghiệp dư có đến hơn 500 VĐV tham dự - hơn 600 trận đấu. Thời gian diễn ra các trận đấu bóng bàn nghiệp dư thường lâu hơn các trận ở nội dung chuyên nghiệp nên nhiều buổi thi đấu ở nội dung nghiệp dư kết thúc muộn đến không ngờ. Trong 3 buổi thi đấu tối của giải, buổi đầu tiên kết thúc vào lúc… 0h10 phút ngày hôm sau. Hai buổi tối thi đấu sau đều không thể kết thúc trước 23h00. Buổi thi đấu chiều 26-12 cũng kết thúc muộn, diễn ra từ 14h00 và kết thúc vào 18h35. Kết thúc buổi thi đấu đó, nhân viên Nhà thi đấu Cầu Giấy cũng không thể tắt điện vì chỉ 25 phút sau đã bắt đầu buổi thi đấu tối. Còn những người điều hành cũng không thể đứng dậy đi ăn, bởi lại phải bắt tay ngay vào việc mới. Kết thúc thi đấu muộn khiến các trọng tài cũng có những buổi làm việc vất vả hiếm thấy. Trong những ngày đầu, trung bình một buổi, một tổ trọng tài phải điều hành tới 10 trận đấu trong khi mức bình thường chỉ là 5 trận. Được cái không ai phàn nàn, thậm chí còn thấy vui khi được làm việc trong một giải đấu đặc biệt, được nhiều người quan tâm.
2. Giải đấu này không chỉ là những cuộc so tài nặng tính chuyên môn, mà còn là nơi để những người đam mê bóng bàn gặp nhau. Một số tay vợt người Mỹ gốc Việt đã hy sinh cả kỳ Giáng sinh bên gia đình, bỏ tiền túi về Việt Nam dự giải. Trong số này có tay vợt Trần Cảnh Tuấn, con trai cựu danh thủ Trần Cảnh Đến (từng góp mặt trong Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam giành chức vô địch Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 1959). Người hâm mộ bóng bàn Thủ đô được thỏa mãn khi lần đầu chứng kiến những cựu danh thủ lừng lẫy miền Nam một thời như Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Đến (em trai cựu danh thủ Trần Cảnh Được - người từng cùng cựu danh thủ Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa vô địch đồng đội nam ở ĐH Thể thao Châu Á năm 1958) thi đấu. Có giải nào ở Hà Nội mà sau cuộc đấu cả khán giả lẫn trọng tài đều đến xin chụp ảnh cùng VĐV như trường hợp với cựu danh thủ Lê Văn Tiết? Ngoài ra, còn hàng loạt hảo thủ bóng bàn từ miền Nam, miền Trung cũng ra Hà Nội dự giải bằng tiền túi hoặc tiền tài trợ. Ở ngoài miền Bắc, những người đam mê bóng bàn tận dụng mọi cơ hội để được dự giải. Như trường hợp ông chủ cửa hàng bóng bàn Dũng Cửu Shop Nguyễn Tiến Dũng, người có nhiều đội tham dự giải nhất (3 đội). Thời gian giải diễn ra trùng với thời gian cựu VĐV năng khiếu Hải Dương này tổ chức lễ thành hôn. Một ngày trước lễ cưới, người ta vẫn thấy Nguyễn Tiến Dũng vác bao tải quần áo vào cho VĐV của đội, rồi tham gia thi đấu, chỉ đạo. Đến ngày cưới, vừa hoàn thành việc tổ chức vào buổi chiều thì ngay buổi tối Nguyễn Tiến Dũng và vợ đã có mặt tại Nhà thi đấu Cầu Giấy để… xem bóng bàn dù buổi chiều hôm đó, các đội của ông bầu này đã bị loại hết. Anh em bằng hữu chỉ biết bái phục tình yêu bóng bàn của Nguyễn Tiến Dũng.
3. Giải đấu là cột mốc đáng nhớ với những người ở Diễn đàn bóng bàn Việt Nam. Từ chỗ chỉ lập nên trang web Diễn đàn bóng bàn với tên miền bongban.org rồi tổ chức những giải đấu nội bộ để thỏa mãn niềm đam mê bóng bàn, để những người yêu bóng bàn có dịp giao lưu với nhau, giờ đây, giải đấu của họ đã có một diện mạo mới. Giải được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, được gắn tên và nhận được sự bảo đảm kết hợp tổ chức lâu dài của một cơ quan báo chí có uy tín như Báo Công an nhân dân, sự bảo trợ truyền thông của nhiều cơ quan báo chí khác, trong đó có Báo Hànộimới. Không còn cảnh như những lần đầu tổ chức, khi họ phải cất công đi mời, phải vật nài để các cao thủ phong trào dự giải. Giờ đây, những tay vợt giỏi đã tự tìm đến để có những cuộc giao lưu, thi đấu bóng bàn giữa VĐV chuyên nghiệp với chuyên nghiệp, VĐV chuyên nghiệp với nghiệp dư, VĐV nữ đấu với VĐV nam, VĐV nội đấu với VĐV ngoại, VĐV Việt kiều đấu với VĐV trong nước… Tất cả đã làm nên những ngày hội bóng bàn ở Thủ đô.
Chiều 28-12, phải đến 18h30 mới kết thúc trận đấu cuối của giải. Tại lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Hànộimới, Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội Tô Quang Phán đã tới dự.
Ở nội dung đơn của hạng chuyên nghiệp, các vị trí nhất, nhì, ba đơn nam lần lượt thuộc về Đoàn Bá Tuấn Anh (Hải Dương), Lê Tiến Đạt (Quân đội), Đào Duy Hoàng (Petrosetco); 3 vị trí đầu nội dung đơn nữ lần lượt thuộc về Mai Hoàng Mỹ Trang (Petrosetco TP Hồ Chí Minh), Vũ Thị Hà (Quân đội), Phạm Ngân Giang (Tiền Giang). Kết quả các giải nhất khác nội dung nghiệp dư: Đồng đội hạng A - Công ty Trường Tuấn; Đồng đội hạng B - Shopbongban.vn; Đồng đội hạng C - Hữu Nghị Sao Đỏ; Đồng đội hạng D - Hải Dương; Đơn nghiệp dư - Đặng Trần Phú (Stiga Nha khoa Bảo Đức); Đơn lãnh đạo hạng A - Phạm Đức Thành; Đơn lãnh đạo hạng B - Adam Bobrow; Đôi nam nữ lãnh đạo hạng A - Hà Huy Tuấn và Nguyễn Thị Bích Ngọc; Đôi nam nữ lãnh đạo hạng B - Phạm Lê Hoàng và Nguyễn Phượng Vỹ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.